Đe dọa tứ phía, lực lượng phòng thủ tên lửa của Mỹ bị kéo căng
Các đơn vị phòng không của Mỹ là lực lượng phải làm việc quá sức nhất trong quân đội của nước này, khi họ phải điều khiển các hệ thống tên lửa trên toàn cầu để bảo đảm năng lực răn đe suốt ngày đêm trước những nước sở hữu năng lực hạt nhân đáng nể, như: Triều Tiên, Trung Quốc, Iran và Nga.
Trung tướng Dan Karbler kể lại với CNN điều mà một trung sĩ lục quân gần đây nói với ông: “Thưa ngài, đó là phép toán thuần túy. Chúng tôi phải làm nhiều nhiệm vụ hơn khả năng của chúng tôi”.
Khi cuộc xung đột ở Ukraine đặt ra rất nhiều thách thức, cộng với lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, nhiều lãnh đạo quân đội Mỹ cảnh báo rằng các đơn vị phòng thủ tên lửa của nước này có thể đang ở mức quá mỏng.
“Nó có thể không hoạt động hiệu quả nếu không được quản lý đúng cách”, Thiếu tướng Brian Gibson - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không quân thuộc Quân đoàn 94 ở Hawaii, nói với CNN.
Năm 2020, lực lượng này tiến hành một cuộc khảo sát các lính phòng không và gia đình họ, và gần đây thực hiện một số thay đổi để giảm bớt áp lực mà binh lính và gia đình họ phải chịu đựng.
Quân đội Mỹ cung cấp khoản tiền thưởng nhập ngũ trị giá 47.500 USD để thu hút nhiều ứng viên hơn cho một số vị trí trong hệ thống phòng không, như vận hành các khẩu đội tên lửa Patriot. Chuyên gia về sức khỏe tâm thần được bổ sung vào các đơn vị phòng không trên khắp thế giới để giúp binh lính vượt qua trở ngại tâm lý khi phải làm việc ở tuyến đầu của hệ thống phòng thủ tên lửa.
Phòng không là lực lượng phải làm nhiệm vụ thường xuyên nhất trong quân đội Mỹ, với gần 60% quân số phải làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
Từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, lính phòng không của Mỹ tại châu Âu phải vào vị trí chỉ vài giờ sau khi nhận lệnh, để bảo vệ sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hỗ trợ huấn luyện Ukraine.
Trong khi đó ở Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đang tăng cường hiện diện ở khu vực để chuẩn bị cho nguy cơ xảy xung đột với Trung Quốc trong tương lai, đồng thời duy trì khả năng răn đe đối với Triều Tiên. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn phải duy trì hiện diện ở Trung Đông, dù Lầu Năm Góc giảm bớt một số cam kết ở khu vực này khi các đối tác đã tăng cường khả năng phòng không của chính họ.