Để doanh nghiệp 'đứng dậy', cần nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền
VEPR kiến nghị, để doanh nghiệp đứng dậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và lấy lại tốc độ tăng trưởng, phải đẩy mạnh thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền.
Doanh nghiệp nội vẫn mạnh ai nấy làm
Cuốn báo cáo thường niên 2023 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia công bố ngày 22/6/2023 mang chủ đề Liên kết và Phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR – chủ biên của báo cáo cho biết: Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế năm 2022 cũng như những nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng trong những tháng đầu 2023, song nền kinh tế đã và đang bộc lộ những thách thức và vấn đề nội tại.
Từ quý III/2022 đến nay, kinh tế Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý 4/2022. Mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023.
“Tình hình đó đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, TS.Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Lực lượng doanh nghiệp Việt đang yếu khi liên tiếp chịu 2 cú sốc: đại dịch COVID-19 và kinh tế toàn cầu suy giảm với lạm phát cao, lãi suất tăng. Nền kinh tế không thể phục hồi nhanh khi doanh nghiệp yếu.
Chia sẻ về chủ đề của báo cáo, TS.Nguyễn Quốc Việt nói rằng điều trăn trở nhất là lực lượng doanh nghiệp Việt.
“Doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP. Doanh nghiệp phát triển là yếu tố quyết định đến tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế”, TS.Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Nhưng doanh nghiệp Việt đang yếu đi. Và bên cạnh sự thua kém về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thì tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất yếu. Tâm lý kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp nội là “mạnh ai, người ấy làm”, mà chưa nhận thức được lợi ích to lớn của việc liên kết thành cộng đồng và liên minh của các doanh nghiệp và lĩnh vực. Điều này cũng làm hạn chế khả năng doanh nghiệp nội có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo báo cáo của VEPR, trong giai đoạn 2017-2022, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động sống sót có xu hướng giảm dần, đến năm 2022 chỉ bằng 49,61%. Những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, tình hình thị trường bị thu hẹp với khó khăn trong tìm kiếm khách hàng.
Một số khó khăn đáng chú ý khác bao gồm biến động thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm nhà cung cấp. Bên cạnh vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn liên quan tới việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Là người tham gia cuốn báo cáo này, TS.Nguyễn Đình Hoan – Viện Phát triển doanh nghiệp – VCCI) cho biết: “Trong các khó khăn của doanh nghiệp thì tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính là chủ chốt”.
Có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, tỷ lệ này tăng cao đáng kể so với con số 57,4% của năm 2021.
Năm lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp trong năm 2022 là thuế/phí (35%), đất đai/giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy và xây dựng (13%). Môi trường pháp lý vẫn còn thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp.
“Giảm rủi ro pháp lý, tăng cường tính ổn định về mặt chính sách và môi trường pháp lý có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, phát triển kinh tế tư nhân và tăng động lực để các doanh nghiệp kinh doanh bền vững hơn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn mong muốn tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động”, TS.Nguyễn Đình Hoan phát biểu.
Nghị quyết riêng về môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hướng tới tự chủ nền kinh tế, VEPR đưa ra 5 giải pháp ngắn hạn và 7 giải pháp trung và dài hạn. Trong đó nhấn mạnh đến môi trường kinh doanh và khuyến nghị cần có nghị quyết riêng của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền.
Để nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, giải pháp là phải nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đi kèm với đó là phải có kiểm tra quá trình thực hiện.
VEPR kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và chính quyền dịa phương thường xuyên nắm bắt tình hình doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và của các hợp tác xã và người dân để kịp thời xử lý những vướng mắc trong thực thi, những bất cập của chính sách của quy định.
Về trung và dài hạn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng thì ngay từ bây giờ cần xây dựng các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững.
Trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của FTAs bằng chương trình hành động cụ thể. Tiếp đó là cải thiện hạ tầng logicstic và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu.
Tiếp tục điều chỉnh chính sách ưu đãi để thu hút làn sóng FDI chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
VEPR cũng nhấn mạnh phải xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời phải thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường nội ngành, cần có các chương trình kết nối tiêu thụ và kích thích tiêu dùng trên toàn quốc.
VEPR kiến nghị đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó cần tập trung cải cách một số lĩnh vực mà thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như thủ tục về đất, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng v.v…
Và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư. Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra kiểm tra doanh nghiệp theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trnog thực hiện thanh tra kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thông điệp mà VEPR muốn đưa ra từ báo cáo này, đó là: Cần phát huy sức mạnh nội lực của hệ thống doanh nghiệp trong nước. Theo đó, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do. Đồng thời hoàn thiện chính sách hỗ trợ để kinh tế tư nhân trong nước phục hồi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ Việt Nam.