Để doanh nghiệp 'sống sót' trong đại dịch
TS. Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ phải có biện pháp giúp các doanh nghiệp 'sống được' trong giai đoạn hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 gần hai tháng nay đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Càng lún sâu vào dịch bệnh, tác động của nó đến nền kinh tế càng nghiêm trọng, mà bản chất đằng sau đó chính là những khó khăn vô cùng lớn đối với doanh nghiệp.
Ông Thành phân tích những khó khăn của nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19 dưới cả hai góc độ cung và cầu trong sản xuất kinh doanh.
Về phía cầu, Covid-19 đang tác động đến mọi mặt của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế nhiều nước giảm mạnh. Khả năng về một đợt suy thoái kinh tế thế giới, thậm chí là khủng hoảng đang trở nên rất hiện hữu.
Tăng trưởng kinh tế giảm, kéo theo đó là hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, công ăn việc làm, thu nhập của người lao động giảm theo. Trong bối cảnh đó, tất nhiên nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm mạnh.
Yếu tố gây giảm cầu thứ hai là do tác động của dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã thực hiện các biện pháp “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế luồng người di chuyển giữa các quốc gia. Điều này ảnh hưởng đặc biệt đến thị trường xuất khẩu, du lịch.
Thứ ba là cầu giảm do tâm lý. Tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh Covid-19 theo ông Thành không phải ở kinh tế mà là tác động tâm lý. Dịch bệnh này mang lại cảm giác bất an, hoang mang, sợ hãi cho người dân khiến họ “co rúm” lại vì phòng bệnh, không dám đi lại, mua bán, không còn tâm trí để làm bất cứ điều gì.
Về phía cung, dịch bệnh khiến lượng sản xuất hàng hóa, dịch vụ suy giảm. Tại Trung Quốc trong tháng 2, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ ở mức 37%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Trong khi đó, chỉ số này ở mức dưới 50 đã là rất tồi tệ.
Lượng hàng hóa sản xuất trong nước giảm nhưng đáng quan ngại hơn là hàng hóa đó lại không thể mang được sang các nước khác để làm đầu vào trong chuỗi giá trị sản xuất do các biện pháp chống dịch ở biên giới. Điều này đã dẫn đến ách tắc trong sản xuất kinh doanh, làm gẫy cả chuỗi cung cứng toàn cầu.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước), 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đáng nói, đây là hai tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tác động của dịch Covid-19.
74% trong số 1.200 doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài sáu tháng.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nữa. Đại dịch Covid-19 là một “cú sốc” lớn đối với nền kinh tế. Những ngành đặc biệt khó khăn như du lịch, hàng không, khách sạn, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng cho biết, họ chỉ có nguyên liệu đầu vào cho đến hết tháng này. Các ngành sản xuất khó có thể đảm bảo công việc cho người lao động trong tháng ba vì thiếu hụt nguyên liệu.
Đặc biệt, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 6 thì 2/3 hãng hàng không trên thế giới có thể phá sản. Ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế là cực kỳ nghiêm trọng.
Doanh nghiệp cần cố gắng để "sống được"
Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 11 nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Thành, để có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ phải đảm bảo được năm nguyên tắc cơ bản.
Nguyên tắc số một là phải dập được dịch, nếu không dập dịch bệnh, mọi hỗ trợ khác đều bằng không. Khi người dân vẫn còn sợ Covid-19 thì không thể phát triển kinh tế.
Thứ hai, việc Chính phủ đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế có thể dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn, nguồn thu sụt giảm. Song về cơ bản, tổng thể kinh tế vĩ mô vẫn phải giữ được cân đối. Nếu phá vỡ sự cân đối này trong bối cảnh hiện nay sẽ rất “loạn”.
Nguyên tắc thứ ba là dập dịch nhưng những địa phương, ngành nghề nào có cơ hội, có thể kết hợp để phát triển kinh tế được thì cố gắng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Ông Thành lấy ví dụ như việc thông quan với Trung Quốc trong thời gian vừa qua, các cấp chính quyền đã làm rất tốt việc vừa đảm bảo an toàn cho tài xế vừa thông quan để lưu thông hàng hóa. Hay như để đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp phải cung cấp đủ các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho người lao động.
Thứ tư là Chính phủ phải có biện pháp giúp các doanh nghiệp “sống được” trong giai đoạn hiện nay. Những vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, lãi vay ngân hàng thì giãn, hoãn, khoanh, kéo dài thời gian chi trả cho họ.
Thứ năm là nếu cần Chính phủ sẽ phải kích cầu. Hiện nay, các biện pháp chủ yếu là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chưa phải là kích cầu. Nguyên nhân là do vừa qua lãi suất chưa cơi nới mạnh mà vẫn thắt chặt vì lạm phát đang ở mức cao.
Mặt khác, trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp đang "nằm im", chưa có nhu cầu phát triển, doanh nghiệp “chưa tiêu được tiền”. Nếu tiếp tục hạ lãi suất cũng sẽ không có tác dụng bởi các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Hai tháng vừa qua tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp.
Ông Thành cho rằng, trong giai đoạn khủng hoảng, chính sách tài khóa bao giờ cũng quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi hết khủng hoảng thì tiền tệ lại là số một. Do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát và bắt đầu hết dịch, Chính phủ cần tung tiếp các gói kích cầu mạnh mẽ để giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Về phía doanh nghiệp, ông Thành cho rằng: “Đây cũng là thời điểm để doanh nghiệp tranh thủ tái cấu trúc cho trung hạn, dài hạn. Các khó khăn về tài khóa đã được Chính phủ hỗ trợ, việc của doanh nghiệp là cố gắng để sống được qua giai đoạn này”.
Theo đánh giá mới đây của Bộ Kế hoạch và đầu tư, nếu dịch cúm diễn ra đến hết quý I, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm từ 0,5 - 1%. Song, với thực tế diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, khả năng dịch bệnh kết thúc vào quý I đã không còn.
Ít nhất là sang quý II, thậm chí kịch bản xấu nhất là đến hết năm, dịch bệnh mới có thể được kiểm soát. Như vậy, chắc chắn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ giảm mạnh. So với mục tiêu 6,8% mà chính phủ để ra từ đầu năm, có lẽ tăng trưởng trong năm nay sẽ thấp hơn rất nhiều, ông Thành nhận định.
Nếu dịch kết thúc vào quý II/2020, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể chỉ còn được 5% trở lên đã là rất tích cực trong bối cảnh thế giới như hiện nay. Song vị chuyên gia này cũng cho rằng, với kịch bản xấu nhất là dịch bệnh kéo dài cả năm, Chính phủ cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để ứng phó.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/de-doanh-nghiep-song-sot-trong-dai-dich-1584934053795.htm