Để đờn ca tài tử phát huy giá trị di sản

Sau 11 năm kể từ thời điểm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013-2024), 21 địa phương vùng Nam Bộ có đờn ca tài tử đã có những hoạt động tích cực nhằm gìn giữ nghệ thuật cổ truyền này. Tuy nhiên, để di sản có sức sống lâu bền và thực sự phát huy giá trị, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.

Các thành viên CLB đờn ca tài tử ấp Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Ngọc Ánh

Các thành viên CLB đờn ca tài tử ấp Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Ngọc Ánh

Lan tỏa phong trào đờn ca tài tử

Bạc Liêu được coi là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả của bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng. Mảnh đất này đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối; từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đờn ca tài tử; từng gây dựng thành phong trào sáng tác rất hùng mạnh từ những thập niên đầu thế kỷ XX đến nay.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 150 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Trong nhiều CLB, không ít các gia đình có từ 2-3 thế hệ cùng tham gia sinh hoạt. Tình yêu đờn ca tài tử được “cha truyền con nối” để rồi hình thành nên nhiều gia đình đờn ca tài tử tài danh. Gia đình Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Văn Trọng (ông Sáu Trọng) là một ví dụ điển hình. Hơn 60 năm gắn bó với nghiệp đờn ca, ông Sáu Trọng đã truyền tình yêu đờn ca sang cho con gái của mình là Đỗ Ngọc Cần. Vừa là cha, vừa là người thầy, ông đã đầu tư rèn giũa nên tài danh đờn kìm Đỗ Ngọc Cần tỏa sáng trên nhiều sân khấu, gặt hái được nhiều giải thưởng cao ở bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương. Hiện nay, Đỗ Ngọc Cần là một trong những tay đờn chính của Nhà hát Cao Văn Lầu (thành phố Bạc Liêu).

Hay như trong gia đình nghệ nhân Mai Văn Sinh (huyện Phước Long), nghệ nhân Triệu Văn Sợi (thành phố Bạc Liêu), hầu như thế hệ con cháu trong nhà đều biết chơi và mê đờn ca tài tử. Mỗi khi gia đình có đám tiệc thì thầy trò, cha con lại cùng nhau gầy sòng đờn ca, trước là để gia đình có một sân chơi vui vầy, sau là giữ lửa cho phong trào đờn ca tài tử ở địa phương.

Còn tại Cà Mau, thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 594 CLB đờn ca tài tử với 6.374 nghệ nhân tham gia sinh hoạt. Hầu hết tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có CLB, đội đờn ca tài tử. Nhiều CLB vẫn hoạt động thường xuyên, thu hút nhiều thành viên tham gia sinh hoạt, qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Nổi bật nhất phải kể đến các CLB thuộc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Đầm Dơi, Cái Nước...

Nghệ nhân Lương Quốc Sĩ, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Trần Văn Thời chia sẻ: “Hiện nay, CLB có trên 50 nghệ nhân, tài tử tham gia sinh hoạt. CLB thường xuyên tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm với các CLB trong và ngoài huyện; tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan do tỉnh tổ chức và đạt nhiều thứ hạng cao, được đánh giá là CLB có phong trào mạnh của tỉnh”.

Tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang..., các CLB đờn ca tài tử cũng phát triển mạnh mẽ. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 229 CLB, 84 đội nhóm đờn ca tài tử với tổng số thành viên 1.226 người. Trong đó, gồm 454 nghệ nhân, tài tử đờn; 772 nghệ nhân, tài tử ca; 6 Nghệ nhân Nhân dân, 13 Nghệ nhân Ưu tú...

Cần các giải pháp thiết thực để phát huy di sản

Bên cạnh những mặt thuận lợi sau hơn 10 năm đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra để di sản thực sự phát huy giá trị, có sức sống lâu bền trong cộng đồng và trở thành “tài sản du lịch”. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Nam Bộ, giảng viên Trường Đại học Trà Vinh thì: “Trong giới nhạc tài tử, người ta thường lấy sự am tường, điêu luyện khi thực hành 20 bản Tổ làm tiêu chí đánh giá trình độ, năng lực chuyên môn của nghệ nhân. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy không ít nghệ nhân đang truyền dạy ở các địa phương còn chưa thông thạo 20 bản Tổ. Điều này dẫn đến nguy cơ thất truyền 20 bản Tổ rất cao”.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác đặt ra là những năm gần đây, nhiều địa phương đã tổ chức các cuộc thi, hội thi, liên hoan và chỉ tập trung bảo tồn, phát huy 20 bản Tổ. Điều này lại dẫn đến hàng trăm bản nhạc của đờn ca tài tử và nhạc cải lương (xuất phát từ đờn ca tài tử) có nguy cơ mai một do không được sử dụng và truyền dạy.

Tại các địa phương, việc thực hành đờn ca tài tử cũng gặp không ít khó khăn do tình trạng “già hóa” hội viên các CLB; nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng khan hiếm, nhất là đờn cò, kìm, tranh, bầu; chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp. Đội ngũ kế thừa trong giới trẻ không nhiều; một số CLB không có nghệ nhân đờn, dẫn đến không còn duy trì sinh hoạt thường xuyên; một số khác lại gặp khó khăn về tài chính, chưa có địa điểm để nghệ nhân thực hành truyền dạy và sinh hoạt đờn ca...

Trước những thách thức này, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân tâm huyết với đờn ca tài tử đã đề xuất, kiến nghị chính quyền địa phương cần có giải pháp, kế hoạch cụ thể cho công tác bảo tồn đờn ca tài tử trong thời gian tới. Trong đó có những việc như: Rà soát số lượng nghệ nhân, củng cố câu lạc bộ, đội, nhóm, phân cấp công nhận nghệ nhân cấp tỉnh để có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hợp lý cho giới đờn ca tài tử; mở lớp đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ nghệ nhân, nhất là tăng cường công tác phát hiện chăm bồi cho lực lượng trẻ, có triển vọng, trong đó ưu tiên cho lớp nghệ nhân đờn và sáng tác lời mới.

Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-don-ca-tai-tu-phat-huy-gia-tri-di-san-post478888.html