Để dự án Đại học Hoa Lư đắp chiếu là thiếu trách nhiệm với đồng thuế của dân
GDVN- Theo Giáo sư Đặng Đình Đào, Ninh Bình cần nghiêm túc xem dự án tắc ở đâu để tháo gỡ, nếu tiếp tục để hoang hóa như vậy rất lãng phí, không chấp nhận được.
Đã hơn 10 năm ròng, dự án Trường Đại học Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) rơi vào hoang hóa, cỏ mọc um tùm khiến không ít người dân địa phương phải lắc đầu ngao ngán.
Có người dân địa phương đã phải thốt lên rằng, dự án khởi công lúc con họ còn học lớp 8. Giờ cháu đã trưởng thành, lập gia đình, dự án vẫn là công trình thô chưa có áo mặc.
Dự án Đại học Hoa Lư được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư vào năm 2010 trên diện tích 15 ha, có tổng mức đầu tư 426 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia.
Công trình này được đánh giá là dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Bình, nhằm tạo điều kiện phục vụ nhu cầu dạy và học của nhà trường, góp phần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương.
Ai chịu trách nhiệm khi dự án Trường Đại học Hoa Lư 10 năm vẫn chưa về đích?
Có không ít ý kiến cho rằng, để dự án Trường Đại học Hoa Lư “đắp chiếu” như vậy là một sự lãng phí, thiếu hiệu quả, đặc biệt dự án sử dụng từ nguồn vốn ngân sách, đồng thuế của người dân đóng góp chưa thực sự hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển – Trường đại học Kinh tế Quốc dâncho rằng, dù là lý do gì nhưng cả chục năm trời để dự án hoang hóa có phần trách nhiệm không nhỏ của địa phương.
Giáo sư Đặng Đình Đào cho rằng: “Cơ quan chức năng cần phải làm rõ vì sao dự án này nhiều năm nay nằm im như vậy.
Lẽ ra những dự án đang nằm chờ, để hoang hóa do thiếu vốn thì cần phải có sự kiểm tra, khảo sát, đánh giá để có hướng khắc phục chứ không nên để nằm này qua năm khác như vậy.
Cần phải bổ sung nguồn vốn để thi công trở lại, hoàn thiện nhanh nhất, đưa công trình dự án vào hoạt động theo kế hoạch.
Việc ngân sách đã rót hàng trăm tỷ đồng mà lại để hoang hóa như vậy rất lãng phí. Rõ ràng việc để dự án Đại học Hoa Lưu như vậy là sử dụng nguồn ngân sách thiếu hiệu quả”.
Cũng theo Giáo sư Đặng Đình Đào, thực tế, có không ít địa phương cố xin bằng được dự án, nhưng dự án đó có thực sự thiết thực, khả thi hay không thì chưa thấy.
Tỉnh nào cũng muốn đưa dự án về, nhưng khả năng khai thác, kết nối của địa phương thế nào để sinh lời, hiệu quả lại thiếu thuyết phục.
Thậm chí có không ít địa phương vừa rồi đua nhau xin mở sân bay, cảng biển… hiệu quả chưa được đánh giá đúng đắn, nhưng lo ngại về lãng phí rất hiện hữu.
Giáo sư Đặng Đình Đào phân tích: “Chúng ta đang khuyến khích đầu tư đầu tư công, nhưng đầu tư như thế nào, hiệu quả ra sao cũng cần phải tính toán cẩn trọng.
Nếu không chúng ta thực hiện được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, nhưng sử dụng vốn lại không hiệu quả như mong muốn. Như vậy sẽ gây ra lãng phí rất lớn”.
Nói về dự án Đại học Hoa Lư bỏ hoang nhiều năm vì thiếu vốn, Giáo sư Đặng Đình Đào cho rằng: “Các ngành, các địa phương cần phải kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể các công trình, dự án trên địa bàn đã triển khai, thực hiện ra sao, đến đâu.
Dự án nào vẫn đang chờ vốn thì cần khẩn trương bơm vốn để triển khai, hoàn thiện đưa công trình vào khai thác.
Đừng để xảy ra tình trạng khi dự án này chưa hoàn thành đang đắp chiếu, lại “đẻ” ra dự án khác. Điều đó làm cho đầu tư công đạt 100% việc giải ngân, nhưng thiếu hiệu quả hay hiệu quả thấp”.
Nguyên Viện trưởng Đặng Đình Đào thẳng thắn cho rằng: “Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoang hóa có phần không thể không nói đến là trách nhiệm của địa phương.
Dân giao bờ xôi ruộng mật xây Đại học Hoa Lư, xót xa đất bỏ hoang cả thập kỷ
Khi anh đề xuất, phê duyệt, triển khai dự án, anh phải tính toán, khả năng hiệu quả của dự án.
Cần phân tích để có giải pháp tốt nhất, nếu tiếp tục đầu tư, bơm vốn thì việc triển khai xong khi đi vào khai thác, sử dụng có hiệu quả hay không cũng cần phải tính toán.
Xây xong ký túc xá ai ở, trường đại học ai học… phải có những đánh giá hết sức thực tế, khoa học”.
Giáo sư Đặng Đình Đào nhấn mạnh: “Để dự án không còn tình trạng hoang hóa, lãng phí, địa phương phải nâng cao trách nhiệm của mình.
Phải thường xuyên rà soát, đánh giá những dự án nào chậm tiến độ, chậm giải ngân cần có giải pháp quyết liệt để hoàn thành đúng kế hoạch đưa vào khai thác.
Như dự án Đại học Hoa Lư cả chục năm không hoàn thành đó không chỉ gây lãng phí, sử dụng nguồn vốn thiếu hiệu quả mà việc để diện tích nhiều ha hoang hóa cũng rất lãng phí.
Trong khi bà con phải nhường đất cho dự án, thiếu đất sản xuất là điều khó chấp nhận được”.
Trường Đại học Hoa Lư tiền thân là Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Bình được thành lập năm 2007 theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 9/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về cơ sở vật chất hiện tại, trường đại học Hoa Lư nằm trên tổng diện tích đất sở hữu 57.000m2 với đầy đủ các phòng ban, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Khu kí túc xá Đại học Hoa Lư gồm 2 khu kí túc xá số 1 và kí túc xá số 2 nằm trong khuôn viên của Đại học Hoa Lư với tổng số 108 phòng.
Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra quyết định đầu tư dự án trường Đại học Hoa Lư với số vốn từ ngân sách Trung ương, trên diện tích 15ha trị giá hơn 400 tỷ đồng, do Trường Đại học Hoa Lư làm chủ đầu tư.
Công trình dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng đầu năm 2016. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, dự án vẫn “bốn bề cỏ dại”.