Để du lịch Phú Thọ vẫn an toàn trước dịch bệnh COVID-19

PTĐT - Tuy mới bùng phát, ở một số quốc gia nhưng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (COVID-19) đã gây ra nhiều thiệt hại về người và kinh tế - xã hội phạm vi toàn cầu. Một trong những thiệt hại rõ rệt nhất đó là ngành du lịch của các nước trong đó có Việt Nam. Trước khó khăn, thách thức đó, ngành du lịch Phú Thọ đã có những giải pháp chủ động ứng phó để an toàn trước dịch bệnh, đồng thời duy trì được sự cân bằng của ngành kinh tế mũi nhọn này.

Nhân viên lễ tân Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ hướng dẫn khách lưu trú thực hiện biện pháp cơ bản phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của khách sạn.

Nhân viên lễ tân Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ hướng dẫn khách lưu trú thực hiện biện pháp cơ bản phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của khách sạn.

Doanh thu giảm
Hằng năm, từ sau dịp Tết Nguyên đán là bắt đầu thời điểm lượng du khách về với Đất Tổ rất đông bởi Phú Thọ là điểm đến hấp dẫn với nhiều chương trình du lịch gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hát Xoan Phú Thọ và các sản phẩm du lịch Hát Xoan làng cổ; thông qua việc kết nối các tour, tuyến đã đón nhiều lượt khách trong nước, khách quốc tế đến với các hoạt động lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt là Đền Hùng - nơi diễn ra Lễ hội Đền Hùng được coi là lễ hội mẫu mực của cả nước, đã đón đông đảo đồng bào hành hương về Đất Tổ cội nguồn không chỉ vào dịp Lễ hội mà ngay từ đầu năm mới và kéo dài suốt trong năm. Cùng với đó, các điểm du lịch khác trong tỉnh cũng đón lượng khách lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng như: Du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua; Chương trình du lịch quốc tế đường sông với nhiều trải nghiệm hấp dẫn hàng ngàn du khách quốc tế tìm hiểu, khám phá đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ - cội nguồn của dân tộc Việt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, do yếu tố khách quan dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, nên lượng khách du lịch đến Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng giảm đáng kể. Khác với mọi năm, thời điểm này Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các bãi đỗ xe thưa thớt ngay cả vào những ngày cuối tuần. Các quầy hàng lưu niệm vắng khách và cũng không còn cảnh chen lấn lên các Đền. Lượng khách không chỉ giảm ở khu du lịch tâm linh mà cả các tuyến du lịch quốc tế đường sông gắn với những trải nghiệm hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế cũng giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, chúng ta mới chỉ đón 2 đoàn khách quốc tế theo loại hình du lịch đường sông.Khách du lịch đến Phú Thọ giảm mạnh, kéo theo các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh lượng khách đặt phòng nghỉ dưỡng cũng giảm so với cùng kỳ. Tại Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ so với thời điểm này năm ngoái lượng khách du lịch đặt phòng giảm rất nhiều. Tỷ lệ lấp phòng hiện nay chỉ bằng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ hủy đặt phòng lên đến trên 90%. Còn tại Khách sạn Mường Thanh Luxury, công suất sử dụng phòng cũng chỉ bằng 30% so với cùng kỳ và tỷ lệ hủy đặt phòng lên đến 80%.Dịch bệnh do COVID-19 đã và đang tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của ngành du lịch, công suất phòng tại các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, các đoàn khách lưu trú tại khách sạn đã hoãn, hủy đặt phòng khoảng trên 1.000 phòng. Hoạt động kinh doanh lữ hành mùa lễ hội sụt giảm mạnh, các tour du lịch bị hoãn hủy trên 75 đoàn với khoảng trên 4.000 lượt khách, trong đó có 2 đoàn khách với trên 30 khách đi du lịch nước ngoài. Hoạt động kinh doanh nhà hàng, trung tâm thương mại lượng khách giảm, các đoàn khách đặt ăn theo các tour du lịch hủy 5 đoàn với trên 350 khách.

Đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Phú Thọ kiểm tra cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Phú Thọ kiểm tra cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ động ứng phó với dịch bệnhLượng khách du lịch giảm, dẫn đến doanh thu của ngành du lịch cũng giảm. Điều đó khiến cho ngành du lịch cũng phải đối phó với những khó khăn, thách thức lớn. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch bệnh COVID-19 nhưng ngay sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát trên thế giới và đe dọa lan rộng ra toàn cầu, được sự chỉ đạo của tỉnh cũng như ngành y tế, ngành du lịch đã sớm triển khai thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, thể thao và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đối với toàn ngành.Ngành đã kịp thời cập nhật, cung cấp thông tin hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch, bệnh để các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chủ động phòng, chống đảm bảo theo quy định, không gây hoang mang, lo lắng, tâm lý tiêu cực trong cộng đồng, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh ở mức thấp nhất. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, công điện, văn bản, hướng dẫn cả Trung ương, của tỉnh được thực hiện kịp thời. Ngành cũng đã tổ chức 11 đoàn công tác nắm bắt tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, cơ sở của 15 điểm di tích văn hóa và lễ hội, 16 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, 3 khu điểm du lịch, 5 đơn vị lữ hành. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã thực hiện nghiêm túc việc ngừng tổ chức lễ hội, giảm các hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch theo tinh thần văn bản chỉ đạo của tỉnh. Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch khách sạn, nhà nghỉ thực hiện lịch trình theo dõi tình hình khách lưu trú tại đơn vị để có biện pháp cách ly phù hợp (hiện nay, trên địa bàn có 7 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch phục vụ 85 khách đến từ Trung Quốc và các quốc gia đang có dịch). Đồng thời, các đơn vị kinh doanh lữ hành tạm dừng không tổ chức các đoàn tour du lịch đưa, đón khách du lịch từ vùng có dịch.Trước khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh thu du lịch dịch vụ, song song với nhiệm vụ chống dịch, ngành du lịch cũng đã đề ra những giải pháp nhằm cố gắng duy trì sự phát triển cân bằng doanh thu của cả năm. Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Cùng với các cấp, các ngành, ngành du lịch sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó sẽ đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh, nhưng với quan điểm linh hoạt trong mọi tình huống, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch căn cứ điều kiện thực tế, việc xúc tiến du lịch vẫn tiếp tục được duy trì; kích cầu du lịch với điều kiện đảm bảo việc đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch thường xuyên thắt chặt công tác theo dõi lịch trình, tình hình sức khỏe của khách nhập cảnh vào Việt Nam đang lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ. Khuyến nghị các đơn vị lữ hành hạn chế di chuyển du khách quốc tế, nhất là các đoàn khách Trung Quốc và khách đến từ các nước có dịch đang thực hiện tour trên địa bàn tỉnh (nếu có) và báo cáo với các cơ sở y tế để theo dõi, cách ly khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ, hoặc mắc bệnh. Chúng tôi tin rằng với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, ngành du lịch sẽ vượt qua khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh COVID-19, song song với công tác phòng, chống dịch hiệu quả ngành vẫn sẽ cố gắng duy trì đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra”.

Huyền Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/202002/de-du-lich-phu-tho-van-an-toan-truoc-dich-benh-covid-19-169513