Để du lịch Thanh Hóa thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh mới
Với tâm thế phấn khởi sau khi Chính phủ đồng ý phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022 theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. PV Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Khu Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na - đón khách trong điều kiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’” dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Kiều Huyền
Phóng viên: Hưởng ứng chương trình phát động du lịch nội địa và hướng dẫn thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và chủ trương mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022 của Chính phủ, xin ông cho biết, Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch thế nào?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Nhằm khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở VH,TT&DL đang tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Trong đó tập trung công tác xây dựng sản phẩm du lịch, tuyên truyền du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Hiện, Sở VH,TT&DL đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa; kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2022; kế hoạch kiểm tra và làm việc với các địa phương trong tỉnh về công tác chuẩn bị các điều kiện phục hồi và phát triển du lịch; phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa hoạt động du lịch.
Sắp tới, Sở tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch tổ chức lễ công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; phát động chương trình kích cầu du lịch Thanh Hóa năm 2022 và mở cửa đón khách quốc tế đến Thanh Hóa. Sự kiện này sẽ mở màn cho chuỗi các hoạt động, sự kiện mở cửa của du lịch Thanh Hóa trong bối cảnh bình thường mới.
Phóng viên: Thưa ông, để thu hút du khách và mở lại hoạt động của ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh Thanh Hóa có những chính sách gì trong việc hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với doanh nghiệp và người lao động”?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thông tin để các doanh nghiệp và người lao động tiếp cận tốt nhất với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về nguồn vốn, trợ cấp khó khăn, giảm lãi suất vay, giảm giá điện, nước, phí, lệ phí..., Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, cụ thể là: ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện để vận hành đón, tiếp khách du lịch an toàn; hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh du lịch, trong đó tập trung hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký mã QR trong việc khai báo y tế, quản lý khách; ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong việc giới thiệu quảng bá các khu, điểm du lịch; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, giao dịch online; giới thiệu, chào bán dịch vụ trên môi trường mạng...; hướng dẫn, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp làm mới các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có; đổi mới, sáng tạo để hình thành các sản phẩm mới, dịch vụ mới đáp ứng được xu hướng mới của thị trường như: du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng..., xây dựng và công bố sản phẩm kích cầu du lịch nhằm thu hút khách du lịch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực sau dịch bệnh.
Phóng viên: Mở cửa du lịch với việc gia tăng về lượng khách, hoạt động đi lại, vui chơi... cũng dễ kéo theo những rủi ro về an toàn dịch bệnh, ngành VH,TT&DL Thanh Hóa đã có phương án gì để hoạt động du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả, đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định về phòng, chống dịch?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Sở VH,TT&DL xác định khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới với tiêu chí “An toàn cho người dân và du khách là trên hết, trước hết”. Sở sẽ thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tuyệt đối không được chủ quan lơ là và mất cảnh giác.
Tiếp tục đôn đốc các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, thực hiện đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19 trên hệ thống quốc gia theo trên đường link http://safe.tourism.com.vn và đăng ký tham gia công nhận điểm đến an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn mà Sở đã hướng dẫn; triển khai hướng dẫn thực hiện phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa hoạt động du lịch.
Phóng viên: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, du lịch được tỉnh xác định ngành kinh tế có nhiều thế mạnh và ưu tiên tập trung đầu tư. Xin ông cho biết, với những nỗ lực nhằm nhanh chóng khôi phục lại toàn bộ hoạt động du lịch, trong năm 2022, mục tiêu của ngành VH,TT&DL là gì?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Nhằm nhanh chóng khôi phục lại toàn bộ hoạt động du lịch, trong năm 2022, ngành du lịch sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng và duy trì điểm đến an toàn và hấp dẫn; tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch mới, hướng đến các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, sinh thái chất lượng cao; đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội nhằm lan tỏa thương hiệu du lịch thông qua bộ nhận diện mới với khẩu hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh đầu tư vào du lịch Thanh Hóa. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao; tăng dần tỷ trọng lao động qua đào tạo. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt do tác động của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, về chỉ tiêu du lịch, phấn đấu năm 2022, Thanh Hóa đón 10 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 17.920 tỷ đồng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!