Để du lịch Thanh Thủy 'cất cánh'

Dải đất Thanh Thủy uốn quanh dòng Đà giang hiền hòa, đối diện là dãy Ba Vì tạo thế 'tựa sơn đạp thủy' được ưu đãi rất nhiều tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, con người cũng như các giá trị về văn hóa, đặc biệt là nguồn nước khoáng nóng quý giá với nhiều tác dụng đã tạo cho Thanh Thủy...

Khu du lịch Vườn Vua Resort & Villsas được đầu tư với không gian, cảnh quan hấp dẫn, điều kiện nghỉ dưỡng tiện nghi, hiện đại đã thu hút đối tượng du khách ở mọi lứa tuổi.

(baophutho.vn) - Dải đất Thanh Thủy uốn quanh dòng Đà giang hiền hòa, đối diện là dãy Ba Vì tạo thế “tựa sơn đạp thủy” được ưu đãi rất nhiều tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, con người cũng như các giá trị về văn hóa, đặc biệt là nguồn nước khoáng nóng quý giá với nhiều tác dụng đã tạo cho Thanh Thủy những nét độc đáo riêng về văn hóa tâm linh, sinh thái của vùng núi Tản, sông Đà. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng… Nhờ đó, Thanh Thủy đã có những bước tiến dài trong phát triển du lịch, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh.

Nền tảng vững chắc

Trở lại Khu du lịch Vườn Vua Resort & Villsas, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy sau hơn một năm, chị Đỗ Thị Hải Yến đến từ Hà Nội không khỏi bất ngờ và choáng ngợp trước những thay đổi nơi đây. Chị Yến cho biết: “Trước đây, tôi và gia đình thường xuyên sang nghỉ dưỡng tại đây vì điều kiện đi lại thuận tiện, không gian, cảnh quan rất đẹp, điều kiện nghỉ dưỡng tiện nghi, hiện đại và đặc biệt có nước khoáng nóng tắm thư giãn, tái tạo sức khỏe. Gần một năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi và gia đình ở nhà để phòng dịch và lần này trở lại nghỉ dưỡng, tôi rất ngạc nhiên vì nơi đây đã có nhiều thay đổi với các dịch vụ tiện ích đẳng cấp để phù hợp cho nhiều đối tượng du khách ở mọi lứa tuổi”.

Với lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là điểm giao thoa, cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc, giao thông đi lại thuận lợi, vừa có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt là dòng nước sông Đà quanh năm xanh trong in bóng núi Tản. Nhắc đến thế mạnh về du lịch của Thanh Thủy không thể không nhắc đến nguồn nước khoáng nóng vô cùng quý hiếm, có nhiều tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe mà thiên nhiên dành tặng cho vùng đất này. Đây là “bàn đạp” để Thanh Thủy từ một huyện thuần nông, trở thành một địa phương phát triển năng động, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn được coi là tài nguyên để phát triển du lịch. Với 36 di tích lịch sử văn hóa mang nhiều nét độc đáo, cổ kính, trong đó có năm di tích cấp Quốc gia đã làm cho Thanh Thủy trở thành điểm đến rất hấp dẫn của du lịch tâm linh. Về vùng đất này, du khách sẽ được thăm Tượng đài Chiến thắng Tu Vũ, đến với các lễ hội nổi tiếng như: Lễ hội rước voi Đình Đào Xá, bơi chải Đền Tam Công, cướp cây bông Đình La Phù… đặc biệt là tham quan, bái lễ tại Đền Lăng Sương linh thiêng- nơi thờ gốc và duy nhất thờ cả gia đình Tản Viên Sơn thánh - vị thần được coi là “thượng đẳng tối linh”, “đệ nhất phúc thần”, đứng đầu trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt. Bên cạnh đó, huyện xây dựng các chương trình nghệ thuật vũ điệu cồng chiêng, dân ca Mường, hát ví, hát rang, đêm hội rượu cần, đốt lửa trại, nhảy sạp... gắn với nghệ thuật ẩm thực: Bò thui, lợn quay, rượu cần, bánh cá, bánh kiến, măng chua, bánh sừng bò, xôi ngũ sắc… cùng với khôi phục các môn thể thao dân tộc: Ném còn, đập niêu, bắn nỏ... để thu hút du khách. Người dân địa phương đã chủ động cải tạo, chỉnh trang nhà ở, công trình vệ sinh, chuồng trại, đường làng ngõ xóm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, giao tiếp lịch thiệp khi đón khách du lịch.

Lễ hội Đền Lăng Sương.

Cơ hội bứt phá

Với quan điểm “biến di sản thành tài sản”, những năm vừa qua, cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân huyện Thanh Thủy đã và đang hiện thực hóa các dự án phát triển du lịch gắn với những tiềm năng của vùng. Đến nay, du lịch Thanh Thủy đã có những bước phát triển đáng ghi nhận theo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Đến cuối năm 2020, tăng trưởng dịch vụ bình quân đạt 7,65%, cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ đạt 47,4%, Cơ cấu lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 38%, đạt 115,1%. Trong 5 năm (2016-2020), doanh thu du lịch, dịch vụ, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... ước đạt 720,7 tỉ đồng (bình quân tăng trên 10%/năm, chiếm tỉ trọng 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện); thu hút trên 2,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Thanh Thủy (trong đó khách lưu trú ước đạt 317 nghìn lượt người). Tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.500 lao động trong ngành thương mại - dịch vụ - du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp). Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy đã đáp ứng đủ các tiêu chí công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, đã trình UBND tỉnh hồ sơ công nhận Khu du lịch cấp tỉnh trong năm 2020.

Tiếp nối những thành công đó, Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Thủy lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định khâu đột phá là phát triển du lịch, dịch vụ. Để triển khai thực hiện có hiệu quả khâu đột phá, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/HU, ngày 16/4/2021 “Về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. UBND huyện xây dựng, ban hành Kế hoạch số 988/KH-UBND, ngày 17/6/2021 về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đưa ra mục tiêu cụ thể: Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ; khai thác tốt tiềm năng, huy động mọi nguồn lực xây dựng Thanh Thủy thành huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh, phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở này, huyện sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp phù hợp để đạt mục tiêu đề ra như: Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; rà soát, bổ sung và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Thủy; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch...

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 08, bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Điển hình, đã có một số dự án đang trong tiến trình đầu tư như: Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp của tập đoàn Flamingo; dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Suối Rồng... tổng diện tích đất của các dự án đang chuẩn bị đầu tư khoảng 350ha với số vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương đầu tư của tỉnh, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ GPMB đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ. Đặc biệt, hai dự án trọng điểm về du lịch dịch vụ trên địa bàn huyện là dự án Wyndham và dự án Vườn vua đã có những chuyển biến tích cực. Hai dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy và Dự án Khu phố thương mại, dịch vụ tổng hợp và công viên khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy đến nay đã nộp ngân sách cho tỉnh là 27,78 tỉ đồng. Dự án Khu du lịch Biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng trăm hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật với gần 200 căn biệt thự, công suất hiện tại là trên 300 phòng với đầy đủ các công trình phụ trợ đi kèm, đặc biệt là khu trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo đạt tiêu chuẩn bốn sao. Tổng giá trị thực hiện dự án đến thời điểm hiện tại là gần 1.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp đã nộp ngân sách trên 113 tỉ đồng...

Với những kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 08, sẽ là tiền đề quan trọng để Thanh Thủy sớm trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

Nguyễn Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/202204/de-du-lich-thanh-thuy-%E2%80%9Ccat-canh%E2%80%9D-184009