Để đưa phim ra rạp, nhiều vấn đề phải có lời giải ổn thỏa

Đối với đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trịnh Quang Tùng cũng như tất cả những người làm phim tài liệu hiện nay, đưa phim ra rạp, tiếp cận khán giả là con đường sống còn của điện ảnh tài liệu. Bên lề Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XI vừa diễn ra, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Hànôịmới Cuối tuần xung quanh vấn đề này.

- Thưa NSƯT Trịnh Quang Tùng, qua 11 kỳ Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, anh thấy khán giả có sự thay đổi như thế nào trong cách đón nhận phim tài liệu?

- Thưa NSƯT Trịnh Quang Tùng, qua 11 kỳ Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, anh thấy khán giả có sự thay đổi như thế nào trong cách đón nhận phim tài liệu?

- Qua nhiều năm theo dõi liên hoan, tôi thấy khán giả đến ngày càng đông hơn, quan tâm tới phim tài liệu nhiều hơn. Trước kia có thể chỉ xem trên truyền hình, bây giờ họ có một không gian khác, một không gian để xem và giao lưu; đặc biệt, họ rất tò mò, hứng thú khi được xem những bộ phim tài liệu mới nhất do các nước châu Âu sản xuất. Rạp chiếu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương có hơn 200 chỗ ngồi, hôm nào cũng kín chỗ, bao giờ cũng phải kê thêm ghế nhựa ở hai bên. Ngày nào tôi cũng ở lại để đón khách, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp xem phim và ghi nhận phản hồi từ họ. Nhiều khán giả xem xong ra hỏi tôi rằng họ muốn xem nữa thì xem ở đâu, hết liên hoan này thì bao giờ lại tiếp tục chiếu phim tài liệu?...

- Như vậy, có thể nói đã có một lượng khán giả yêu mến và trung thành với phim tài liệu. Nhưng hiện nay có vẻ như không dễ để tìm được một địa điểm sinh hoạt, thưởng thức phim tài liệu thường xuyên ở Hà Nội?

- Đúng vậy. Từ lâu chúng tôi ấp ủ mong ước thành lập câu lạc bộ người yêu phim tài liệu. Hãng đang bàn và sắp tới có thể tổ chức câu lạc bộ để làm nơi sinh hoạt văn hóa, giới thiệu phim của hãng và cả của những nơi khác. Mô hình hoạt động có thể là không bán vé, chỉ thu một chút phí theo hình thức tự nguyện để duy trì hoạt động quảng bá, chiếu phim. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ liên hệ với đại sứ quán các nước để có phim tài liệu nước ngoài được chiếu thường xuyên ở đây. Một tuần chỉ cần hai buổi chiếu phim tài liệu trong nước và nước ngoài là sẽ tạo thành một không gian thưởng thức phim tài liệu hấp dẫn. Số lượng người xem phim tài liệu hiện nay không đông như khán giả phim truyện, nhưng tôi nghĩ rằng số người muốn xem phim tài liệu thì ngày càng nhiều vì phim tài liệu rất gần gũi với họ.

- Bao giờ phim tài liệu Việt Nam mới có chỗ đứng vững chắc trong rạp chiếu là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thực tế cũng có một số phim được công bố là chiếu rạp, nhưng đa phần là do các đạo diễn thuê rạp chiếu để phục vụ số lượng khán giả đặt trước. Điều đó dường như chỉ mang ý nghĩa thông báo là phim đã phát hành?

- Thực ra ai làm phim cũng mong muốn phim của mình đến được với khán giả, tác giả làm phim độc lập hay người của các hãng phim cũng vậy thôi. Nhưng hiện nay, không nhiều người làm được điều đó. Để đưa phim ra rạp, thực sự có nhiều vấn đề mà người làm phim tài liệu hiện nay phải có lời giải ổn thỏa, như: Đề tài có thực sự được nhiều người quan tâm? Cách làm có gì mới? Hiệu quả xã hội như thế nào? Tiếp theo là xin phép phổ biến phim, tìm đối tác phát hành và tính toán yếu tố thương mại...

- Cái khó nhất là gì, thưa anh?

- Thứ nhất là phải xem đề tài đó có ảnh hưởng đến nhiều người hay không, mọi người có quan tâm hay không, có nhiều người đón xem không. Thứ hai là khi đưa phim ra rạp, cần biết rằng tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng cao hơn... Câu hỏi được đặt ra trước các nhà biên kịch, đạo diễn là: Phim có hay không, khán giả có đến rạp hay không?

- Trong giai đoạn hiện nay, sự đồng hành của các nhà phát hành, rạp chiếu có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà làm phim tài liệu. Nhưng có vẻ như đây cũng là một vấn đề chưa tìm được hướng đi?

- Đã có một thời phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được chiếu trước suất chiếu phim truyện, nhưng hồi đó hệ thống rạp nằm trong sự quản lý của nhà nước. Từ khi chúng ta chuyển đổi mô hình quản lý rạp thì phim tài liệu không còn được chiếu như thế nữa. Các rạp hiện nay đều chịu áp lực về doanh số, vì vậy, họ khó lòng hỗ trợ nhà làm phim nếu như số lượng vé bán ra quá ít. Vì vậy, quan trọng nhất là phim phải hấp dẫn.

- Gần đây đã có một số bộ phim tài liệu ra rạp thành công, có doanh thu cao. Theo anh, có thể đúc rút ra được bài học gì từ những thành công như vậy?

- Chúng ta đã có một số phim chiếu rạp thành công như: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân... Tôi cho rằng đó là những phim hay, phù hợp với công chúng và có cách làm, quảng bá tốt. Với phim tài liệu của hãng hiện nay, khâu quảng bá gần như chưa có gì.

Cách đây mấy năm Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng đưa phim Chuyện ngày hôm qua ra rạp. Số tiền thu được tuy không lớn, chỉ đủ bù đắp cho việc tổ chức và ủng hộ từ thiện nhưng việc đó cũng mở ra hướng kinh doanh phim tài liệu. Từ bước đệm đó, chúng tôi thấy phim tài liệu có cơ hội để bán vé. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi đang đầu tư để thực hiện một số bộ phim với định hướng là đưa ra rạp kinh doanh trong thời gian tới.

- Khi giao lưu với những nhà làm phim tài liệu nước ngoài, anh thấy việc làm phim tài liệu để phát hành thương mại của họ như thế nào? Liệu có bài học nào mà chúng ta có thể học tập, áp dụng không, thưa anh?

- Mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau nên cách làm phim, tiếp cận đời sống cũng khác nhau. Thẳng thắn mà nói, phim tài liệu của chúng ta hiện nay chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền, còn phim nước ngoài họ làm với mục đích chính là để kinh doanh. Xét ở góc độ kinh doanh thì họ làm rất tốt, họ có cả một nền công nghiệp rồi. Ở các nước phát triển, một bộ phim tài liệu ngay từ lúc có ý tưởng đã được các nhà sản xuất tìm đến, nếu họ thấy hiệu quả kinh tế là họ mua ngay, và lập dự án, lên phương án sản xuất, tìm đạo diễn... Phim làm xong là được quảng bá hoành tráng như đối với phim truyện. Khán giả nước ngoài đã hình thành thói quen ra rạp xem phim tài liệu từ rất lâu. Bạn tôi chia sẻ rằng, ở Đức người dân thường xuyên mua vé xem phim tài liệu. Bên cạnh đó, họ có nhiều kênh để thu lợi nhuận chứ không chỉ là chiếu rạp.

Chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ các đồng nghiệp nước ngoài. Nhưng nói thật, đó là cuộc đua chưa biết bao giờ mới kết thúc bởi mình đuổi theo mà họ lại đi trước mình rất lâu, rất xa rồi. Ở nước ngoài họ đầu tư cho phim tài liệu rất khác, trình độ đạo diễn cũng khác... Muốn đạt được kết quả như họ, kể cả ở góc độ thương mại, chắc chắn còn phải mất rất nhiều thời gian nữa.

- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

Trà Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/981590/de-dua-phim-ra-rap-nhieu-van-de-phai-co-loi-giai-on-thoa