Để F0 yên tâm khi theo dõi, điều trị tại nhà - Bài cuối: Cần những chuyển hướng căn cơ

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 137.008 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Với khoảng từ 3.000 - 4.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong khi chỉ có khoảng 1.000 trường hợp được xuất viện, Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng quá tải tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Các y bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Các y bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Quá tải ở các tầng điều trị

Đánh giá về tình hình dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong những ngày qua, Thành phố đã rất nỗ lực và sáng tạo nhưng vẫn còn hiện tượng quá tải các tầng điều trị và tiếp tục ghi nhận các ca tử vong. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 4.000 người tử vong, riêng Thành phố Hồ Chí Minh hơn 3.000 người. Theo phân tích, trong những đợt dịch trước, các ca tử vong chủ yếu ở tầng 5, một phần ở tầng 4; nhưng lần này, 27% số ca ở tầng 3, 24% số ca ở tầng 5 và 48% ở tầng 4, đặc biệt đã có một vài ca tử vong tại tầng 2.

Về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đang có hiện tượng quá tải tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vì lượng bệnh nhân ở tầng 3 (trong 5 tháp điều trị), thuộc khu vực hồi sức tích cực.

Lý giải tình trạng này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, do một số trường hợp quá lo lắng, chưa đến mức phải lên tầng 3 đã chuyển lên rồi, dẫn đến quá tải tầng 3 là chính, trong khi hoàn toàn có thể điều trị tại tuyến đơn giản hơn, như bệnh viện dã chiến, tuyến huyện, tuyến xã.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, để hạn chế tình trạng quá tải, đầu tiên trong công tác điều trị phải thực hiện phân tầng đúng. Theo đó, người bệnh thể nhẹ vào tầng nhẹ, trung bình vào tầng 2 và thực sự nặng mới vào tầng 3. Bên cạnh đó, cần hạn chế chuyển tầng muộn quá vì khi chuyển muộn, nguy cơ tử vong cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, để giải bải toán quá tải bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong tình thế mỗi ngày thành phố ghi nhận 3.000 – 4.000 ca mắc mới, Bộ Y tế đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thành lập 141 bệnh viện dã chiến và nhiều Trung tâm Hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ Y tế phối hợp với thành phố.

Bộ Y tế cũng đã cử trên 11.000 cán bộ, nhân viên, sinh viên, học sinh ngành Y, Dược hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cùng với nhiều lực lượng xung phong khác của đoàn, đội và các tổ chức từ thiện.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã chuyển 10.000 liều thuốc nhập khẩu của Ấn Độ về kịp thời cung cấp cho công tác điều trị bệnh nhân tại các tỉnh phía Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương được ưu tiên phân bổ vaccine nhiều nhất nước do có số lượng mắc cũng như tỷ lệ mắc cao nhất nước. Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, đến nay đã ký mua được đủ số lượng vaccine để tiêm, đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021. “Ngay khi có vaccine, Chính phủ sẽ ưu tiên phần lớn vaccine cho Thành phố”, Phó Thủ tướng cho biết.

“Công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh không đơn độc mà có sự hỗ trợ của cả nước”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định.

Nhiều cách làm linh hoạt tại chỗ

Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh cho biết: Trong công tác điều trị, Thành phố đã tập trung cấp cứu để giảm F0 chuyển nặng; phối hợp với Bộ Y tế đưa vào hoạt động thêm 4 Trung tâm Hồi sức tích cực quy mô 1.750 giường; nâng cao năng lực của Trung tâm Cấp cứu 115; thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115; kiện toàn Tổ phản ứng nhanh cấp cứu và bố trí hệ thống xe taxi chuyển đổi công năng phục vụ cấp cứu tại từng phường, xã, thị trấn và hướng dẫn quy trình tiếp nhận, trang thiết bị theo xe, sơ cứu ban đầu; rà soát, bổ sung đầy đủ trang thiết bị cho các cơ sở điều trị…

Trong khó khăn khi số ca bệnh tăng nhanh, dẫn đến quá tải các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện đã linh hoạt thiết lập các phòng cấp cứu thực hiện cấp cứu, hồi sức tại chỗ cho những bệnh nhân trở nặng mà chưa kịp chuyển tuyến tại một số bệnh viện dã chiến.

Điển hình là Bệnh viện Dã chiến số 10 (thành phố Thủ Đức) với công khoảng 3.000 giường bệnh, chủ yếu nhận các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc những ca nhiễm không triệu chứng. Tuy nhiên, khi các ca trở nặng tăng lên, các bệnh viện tuyến trên thông báo hết chỗ, bệnh viện đã tận dụng tầng hầm để xe của chung cư để làm phòng cấp cứu. Nhờ đó nhiều trường hợp được cấp cứu kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên…

Bên cạnh đó, việc Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1 với Hệ thống oxy, máy hỗ trợ thở, máy X-quang di động sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân có chuyển biến nặng trên địa bàn đi vào hoạt động ngày 12/8 sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện truyến trên. Bệnh viện có quy mô 350 giường, trong đó có 60 giường hồi sức, cấp cứu bệnh nhân nặng và có các khu riêng biệt như: Khu cấp cứu điều trị ICU, khu điều trị bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền, khu điều trị bệnh nhân có triệu chứng, khu hội chẩn…

Ngoài Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1, còn có cơ sở 2 của Bệnh viện Phú Nhuận với khoảng 80 giường nên bước đầu đảm bảo tốt điều trị cho bệnh nhân ở Phú Nhuận thuộc tầng 1-2-3.

Phân tầng tốt hơn để giảm tử vong

Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 với hơn 700 điểm cầu trong cả nước sáng 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, điều trị, giảm tỷ lệ tử vong là một trong những trọng tâm ưu tiên trong phòng chống dịch COVID-19 với tất cả tỉnh, thành.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế hỗ trợ tổng lực cho Thành phố. Bộ Y tế đã thành lập 5 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng và nguy kịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các bệnh viện Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế đều hiện dã nhận bệnh nhân.

“Chúng ta có 4 bệnh viện hạng đặc biệt thì cả 4 bệnh viện này đều ở thành phố Hồ Chí Minh. Các bệnh viện này đều đã sẵn sàng và trong những ngày qua đã tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã hình thành nên các trung tâm điều trị hồi sức tích cực tại Bình Dương (đã khành thành đi vào hoạt động hôm qua), tại Đồng Nai, Tiền Giang... Bộ cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc phải dành ít nhất 40% nhân lực hỗ trợ các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp mà khả năng không đáp ứng được. “Giống như hiện nay chúng ta đang tiếp tục điều động lượng nhân lực lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông cũng như một số các tỉnh có dịch nặng nề khác”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về công tác điều trị, Bộ trưởng ghi nhận những cố gắng và sự linh hoạt của Tp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên sự cố găng này là chưa đủ , sô ca tử vong vẫn nhiều, cần những thay đổi căn cơ hơn thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để đảm bảo tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, thuận lợi nhất, cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho bệnh nhân, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở y tế nên chia thành 3 tầng điều trị.

Cụ thể: Tầng 1 là cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, kể cả ở cộng đồng và gia đình. Những nơi này triển khai quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng. Tầng này rất quan trọng, làm sao tiếp cận bệnh nhân, đảm bảo người nhiễm có thể đến được cơ sở này.

Tầng 2, đặc biệt quan trọng hơn với tất cả cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, có giường bệnh. Ở tầng này, cầng tăng cường năng lực điều trị và đảm đầy đủ ô xy, thuốc kháng đông và kháng viêm theo phác đồ Bộ Y tế, phải sử dụng sớm cho bệnh nhân để giảm mức độ nặng.

“Nếu làm tốt tầng 2 thì giảm nhẹ ca mắc và không tăng nặng những ca bị nhiễm. Khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn. Thực tế đã chứng minh”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Với tầng thứ 3 điều trị hồi sức tích cực, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị cơ số cho điều trị hồi sức tích cực, nơi này phải thực hiện được thở máy xâm nhập, thở máy... “Các địa phương cần rà soát lại ngay, trên nguyên tắc phải tăng tối đa công suất, khả năng chống chịu của tất cả các tầng để khi dịch xảy ra không ngỡ ngàng, hoang mang, bị động”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

PV (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/de-f0-yen-tam-khi-theo-doi-dieu-tri-tai-nha-bai-cuoi-can-nhung-chuyen-huong-can-co-20210815085513967.htm