Để giấc mơ của trẻ được bay xa
'Trẻ con cũng như một cánh diều, nếu giữ chặt tay thì diều sẽ không bay được xa. Nhưng nếu nới lỏng tay thì diều sẽ no gió và tung bay trên bầu trời…'.
Đó là quan điểm mà chị Phan Thị Hồ Điệp – mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam chia sẻ về cách chắp cánh ước mơ cho trẻ.
Sẵn sàng cho mọi quyết định của con
Tiến sĩ Phan Thị Hồ Điệp là giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô được nhiều bậc phụ huynh ngưỡng mộ về phương pháp dạy con thông minh và là mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Trang cá nhân của cô có hàng nghìn cha mẹ theo dõi và cập nhật những phương pháp dạy con thú vị từ nhỏ đến lớn, từ tâm lý, tình cảm đến thể chất và cách sống tự lập…
Đỗ Nhật Nam là một cậu bé từng làm nên hiện tượng với khả năng nói Tiếng Anh, khả năng viết và làm việc một cách khoa học từ khi còn rất nhỏ. Năm 13 tuổi, Đỗ Nhật Nam đã giành được học bổng toàn phần để sang du học ở Mỹ.
Trong suy nghĩ của nhiều người, hẳn Nam là một cậu bé “mọt sách”. Tuy vậy, theo tiến sĩ Phan Thị Hồ Điệp, mẹ của Nam thì đây là một “quá trình tự nhiên”.
Với chị Điệp, bí quyết để con thành công, đơn giản là cho con tình thương yêu, được thỏa mãn thể hiện ước mơ và có một phương pháp giáo dục khoa học.
Là người theo dõi từng bước đi của con, chị Điệp cho rằng,“trẻ con có rất nhiều ước mơ và có những ước mơ chúng ta biết rằng sẽ không bao giờ thực hiện được. Dẫu vậy, đừng bao giờ dập tắt giấc mơ của con trẻ mà hãy âm thầm ủng hộ chúng”.
Chị cũng kể rằng, ngày nhỏ Nam từng ước mơ làm nhà nghiên cứu Vật Lý lượng tử. Lớn lên có thời điểm con lại muốn làm người có khả năng phân tích các bộ não.
Đặc biệt, kể từ khi được nghe bài phát biểu của Steve Job (người đồng sáng lập hãng Apple), Nam đã ước mơ được sang Mỹ du học. Thời điểm đó, chính chị cũng hoài nghi về mong ước này, nhưng chị vẫn cùng với Nam xây dựng ước mơ, lên kế hoạch cho từng giai đoạn như học Tiếng Anh, mua sách để con tự tìm hiểu về nước Mỹ, bí quyết để xin học bổng…
Sau này, 13 tuổi, tự Nam đã thực hiện được ước mơ của mình trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.
Khi Đỗ Nhật Nam chia sẻ sẽ theo đuổi ngành Âm nhạc chứ không phải phi công, vật lý, mật mã như từng ước mơ, chị Phan Thị Hồ Điệp ủng hộ quyết định chọn ngành nghề của con khi vào đại học.
Chị từng chia sẻ trên trang cá nhân: “Hôm nọ em (Đỗ Nhật Nam – PV) chia sẻ rằng có thể em sẽ học ngành âm nhạc. Mẹ thực sự bất ngờ. Vì đó là điều mẹ chưa nghe thấy em nói bao giờ.
Nhưng mẹ chỉ mỉm cười. Vì mẹ làm sao có thể lấy kinh nghiệm ít ỏi của mình để đặt lên em. Nên nếu em chọn gap year, em học âm nhạc hay bất cứ điều gì khác, mẹ vẫn luôn ủng hộ. Vì em trước hết, cần được trải nghiệm để trưởng thành.
Mẹ rồi sẽ già đi, khó tính hơn, yếu thêm nhưng mẹ vẫn ở ngôi nhà có đầy tình yêu của mẹ, để chờ đợi và thương mến em...”.
Nhiều lần nói mình không đặt nặng thành tích, chỉ mong con sống đúng đam mê, sở thích nhưng chính chị Phan Thị Hồ Điệp cũng từng thú nhận rằng mình đã cảm thấy khó chịu khi con không đạt được kết quả mình mong đợi: “Đôi khi mình cũng hãnh tiến, cũng cảm thấy khó chịu, thấy buồn khi con không đạt thành tích như mong muốn.
Đôi khi mình cũng nuông chiều con, quyết định thay cho con, khó chấp nhận lời nhận xét của người khác. Quan trọng là biết sai và sửa dần”.
Đừng tách trẻ khi con đang thực sự học
Cô giáo Nguyễn Thúy Hường – Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho rằng: Nền móng cơ bản nhất của mọi thành công chính là ước mơ. Đừng tập trung dạy bọn trẻ quá nhiều thứ to tát, hãy tập trung dạy chúng cách mơ ước, dám mơ lớn và cách thực hiện ước mơ đó.
Nhiều phụ huynh đã từng trách chính mình vì không biết tới các khả năng của con, đã để hàng trăm đứa trẻ khác nhau đều lớn lên trong một khuôn mẫu cố định. Hàng trăm giấc mơ giống nhau được dệt bởi suy nghĩ của người lớn. Bởi vì nhiều cha mẹ vẫn cho rằng “trẻ con chẳng biết gì cả” nên cuộc đời của con hãy cứ để cho cha mẹ quyết định và định hướng.
Cô Hường cũng chia sẻ thêm, cha mẹ hãy nhớ lại những khi con hỏi “Sao mặt trời lại nóng?”, “Sao một người thế kia lại chui được vào tivi?”, “Cái gì làm cho hoa nở?”… Khi trẻ còn đang thể hiện sự tò mò với sinh học, điện tử và thiên văn thì chúng ta lại thường bảo trẻ ra chỗ khác và đi chơi đồ chơi. Đồng thời lại kết luận rằng con còn bé, có giải thích con cũng không hiểu và không nhớ gì cả.
Chắc chắn rằng trẻ chỉ thích hợp với ô tô hay máy bay mà thôi. Như vậy, bố mẹ đã vô tình phạm lỗi khi tách trẻ khỏi việc học trong giai đoạn mà trẻ thích học nhất của cuộc đời.
“Trước tiên, bố mẹ hãy là người bạn của con và đừng can thiệp vào con bất cứ điều gì. Tôi thấy rằng nhiều bố mẹ cứ áp đặt con, cho con chơi cái này, không cho con chơi cái kia. Tuy nhiên, các bố mẹ hãy hiểu rằng, trẻ con thì vẫn cứ là trẻ con, hãy để chúng sống bằng tuổi thơ của mình chứ không phải qua nhãn quan của bố mẹ”, Tiến sĩ Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ.
Trẻ con có rất nhiều điều hay, đáng yêu, vì vậy hãy tạo cơ hội để con được học những điều con thích, con đam mê, để chắp cánh ước mơ của con.
“Nếu chúng ta cứ giữ chặt diều trong tay, thì diều không bay được xa. Ngược lại, nếu nới lỏng tay, thì sẽ là con diều no gió và tung bay trên bầu trời... Bên cạnh đó, đừng ép con làm những việc vượt quá khả năng. Hãy tận dụng những cơ hội để con phát huy khả năng của mình, để con thấy hạnh phúc” – Cô Điệp nói.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/de-giac-mo-cua-tre-duoc-bay-xa-FUqzvD9Mg.html