Để Giai điệu mùa thu là điểm đến nghệ thuật của TP.HCM

Giai điệu mùa thu, chương trình nghệ thuật có thương hiệu lâu năm nhất của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), sẽ là một trong 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội của TP.

Định kỳ hai năm một lần, năm 2019 là mùa thứ 12 của chương trình Giai điệu mùa thu. Âm nhạc của Giai điệu mùa thu hướng đến ba lĩnh vực: Nhạc kịch, nhạc giao hưởng - thính phòng và múa ballet. Chương trình đã và đang là điểm đến của nghệ sĩ trong nước, nghệ sĩ gốc Việt đang sinh sống tại nước ngoài và cả nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn.

Festival Huế là một mô hình TP.HCM nên học

Những ai theo dõi âm nhạc cổ điển ở TP.HCM lẫn cả nước đều không thể phủ nhận sự đóng góp bền bỉ của Giai điệu mùa thu vào thị trường âm nhạc. Mỗi mùa chương trình là mỗi mùa công chúng yêu âm nhạc cổ điển mong chờ. Thế nhưng chương trình vẫn còn nhiều xa cách với đại chúng, nhất là khán giả trẻ.

Băn khoăn trước câu chuyện khán giả trẻ, các chương trình gần công chúng hơn, nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, đơn vị tổ chức Giai điệu mùa thu, cho rằng: “Tiêu chí của Giai điệu mùa thu từ trước đến nay không khác các liên hoan đúng nghĩa tên gọi festival. Đó là sân chơi với công chúng rộng hơn, ở nhiều địa điểm hơn từ trong nhà đến ngoài trời, là sân chơi nhiều bộ môn nghệ thuật khác kết hợp cùng âm nhạc cổ điển… Thật sự không chỉ tôi mà các anh chị em trong nhà hát đều mong muốn Giai điệu mùa thu là một liên hoan lớn hơn và tầm vóc là chương trình của TP.HCM”.

Thực tế, trong danh sách 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội của TP.HCM, lĩnh vực âm nhạc cổ điển còn có Liên hoan nhạc kèn TP.HCMLiên hoan hợp xướng TP.HCM mở rộng. Hai liên hoan này nhiều người cho rằng thừa, bởi những lĩnh vực của hai liên hoan này đã nằm trong Giai điệu mùa thu hướng đến. “Nên chăng hợp tác lại hai liên hoan này với mô hình hoạt động Giai điệu mùa thu. Cứ cách năm, một năm sẽ là Giai điệu mùa thu như hiện tại và một năm sẽ dành cho hợp xướng và kèn; một mô hình tương tự như Festival Huế, một năm Festival Huế và một năm Festival Huế dành cho làng nghề. Giai điệu mùa thu từng có chương trình với nhạc kèn; hợp xướng, thanh nhạc là chương trình thường xuyên; cũng từng kết hợp âm nhạc cổ điển với hội họa trong những triển lãm xung quanh Nhà hát TP, những cái đó nếu tiếp tục sẽ đòi hỏi quy mô lớn hơn” - NSƯT Trần Vương Thạch góp ý.

Các nghệ sĩ HBSO trong nhạc kịch Yesterday’s Memory (Ký ức của ngày hôm qua) diễn khai mạc Giai điệu mùa thu 2019. Ảnh: HBSO

Các nghệ sĩ HBSO trong nhạc kịch Yesterday’s Memory (Ký ức của ngày hôm qua) diễn khai mạc Giai điệu mùa thu 2019. Ảnh: HBSO

Thành phố phải đứng sau Giai điệu mùa thu

NSƯT Trần Vương Thạch cũng mong muốn nếu được mở rộng là chương trình có sự hỗ trợ lớn hơn của TP thì nó sẽ có những ban tổ chức riêng cho liên hoan đó. “Như Festival Huế họ có ban tổ chức riêng cấp TP với kế hoạch thường xuyên và làm việc liên tục cho một festival. Khi trở thành sự kiện của TP thì việc mở rộng, quảng bá, hỗ trợ… cũng thuận lợi hơn” - NSƯT Trần Vương Thạch nói.

Tương tự như câu chuyện một cấp cao hơn bảo trợ cho Giai điệu mùa thu, chị Trần Nguyệt Sa, giáo viên cảm thụ nghệ thuật âm nhạc, người điều hành Saigon Chamber Music, cho rằng: “Phát triển Giai điệu mùa thu thành sự kiện lớn ai cũng mong nhưng khi ở tầm TP thì TP và nghệ sĩ phải có sự lắng nghe nhau. Ví dụ, với các hoạt động đối ngoại, TP cũng hướng các đoàn đối ngoại đến giá trị âm nhạc mà Giai điệu mùa thu mang lại để có những phối hợp cùng thời điểm tạo thành sự kiện lớn hơn”.

Đến gần công chúng trẻ

Hiện nay, sau 12 mùa tổ chức, Giai điệu mùa thu có tiếng vang nhưng vẫn chưa gần giới trẻ. Với câu chuyện này, ca sĩ Duyên Quỳnh, một diễn viên của HBSO nhưng có rất nhiều sô diễn ca nhạc thị trường, chia sẻ: “Giai điệu mùa thu lâu nay vẫn thiếu những quảng bá thật sự tiếp cận được giới trẻ, chưa nhiều những mảng âm nhạc dành cho giới trẻ mà đang hơi thính phòng cổ điển quá. Để đến giới trẻ, ngoài việc một không gian biểu diễn khác không gói gọn trong khán phòng nhà hát thì phải có những buổi phối hợp âm nhạc cổ điển với các màu sắc âm nhạc khác, như phối một symphony cổ điển thành rock symphony… để khán giả trẻ tìm thấy được hơi thở âm nhạc của họ trong đó”.

Chị Trần Nguyệt Sa cũng cho rằng để khán giả trẻ đến với Giai điệu mùa thu còn nhiều nỗ lực khác chứ không chỉ việc bán vé rẻ cho sinh viên, học sinh như chương trình vẫn đang làm. “Đó là đưa âm nhạc đến mọi người. Cụ thể, với từng chương trình các bạn trẻ đi coi và được dẫn dắt rõ ràng, giới thiệu kỹ về từng bản nhạc… họ sẽ thấy gần gũi hơn. Bởi nhiều khán giả trẻ có thể lạ mà đến với giá vé rẻ nhưng họ cảm thấy ngợp với âm nhạc họ đang nghe. Họ không hiểu thì làm sao yêu được. Và xa hơn là TP hỗ trợ kết hợp mang tầm sâu sắc chính là giáo dục về văn hóa âm nhạc theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Tạo ra một sêri Giai điệu mùa thu học đường nào đó để chúng ta có một lượng khán giả lâu dài, ổn định” - chị Trần Nguyệt Sa nói thêm.

Nên mời những dàn nhạc quốc tế ngang cấp

Ít nhất với những dàn nhạc quốc tế, cấp TP có thể mời những dàn nhạc quốc tế tầm cỡ ngang cấp, các đoàn nhạc kịch, vũ kịch lớn… chứ hiện nay khi chỉ dừng ở cấp Sở Văn hóa và nhà hát tổ chức thì mỗi mùa Giai điệu mùa thu đều dừng lại ở việc tự xoay xở với mối quan hệ của nhà hát, của nghệ sĩ…

NSƯTTRẦN VƯƠNG THẠCH

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/de-giai-dieu-mua-thu-la-diem-den-nghe-thuat-cua-tphcm-869836.html