Để giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI...
Năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến vượt mốc 500 tỷ USD, con số này được đánh giá có ý nghĩa tích cực với nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, “bóc tách” dưới một góc độ khác, có thể thấy dù kim ngạch xuất nhập khẩu cao, trong đó xuất khẩu 11 tháng qua đạt 241,7 tỷ USD nhưng sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn rất lớn. Những năm gần đây, tỉ trọng của FDI trong tổng giá trị xuất khẩu luôn chiếm từ 70%, trong khi khối doanh nghiệp trong nước chỉ vào khoảng 30%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, xuất khẩu và xuất siêu tăng giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô nhưng không nên chủ quan bởi Việt Nam đang dựa rất nhiều vào doanh nghiệp FDI. Một thời gian dài Việt Nam “trải thảm” đối với các doanh nghiệp FDI mà phần nào đó “quên” đi các doanh nghiệp nội. Hệ quả là sau hàng chục năm, FDI đang đẩy Việt Nam vào thế lệ thuộc rất lớn trong mọi tăng trưởng, kể cả thành tích xuất khẩu.
Hơn 50% ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam nằm trong tay FDI, hầu hết các doanh nghiệp này đều làm gia công rồi xuất khẩu nên gần như không có sự lan tỏa về công nghệ. Chưa kể, FDI được kỳ vọng giúp giải quyết công ăn việc làm nhưng lao động người Việt tại các doanh nghiệp FDI năm cao nhất cũng chỉ chiếm 6%, trong khi lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 43%.
Những điều này dẫn tới một nguy cơ, bất kỳ một biến động nào ảnh hưởng đến khối doanh nghiệp FDI thì ngay lập tức, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng khó giữ được. Đơn cử như Samsung, năm 2018 xuất khẩu 60 tỷ USD, bằng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Sự cố dòng sản phẩm điện thoại Galaxy Note 7 phải thu hồi năm 2017 đã ảnh hưởng nặng đến xuất khẩu chung của cả nước.
Sự lấn át của khu vực FDI là nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn trong các nền sản xuất của nhiều quốc gia. Hàng hóa sản xuất trong nước dần bị thu hẹp và được thay thế bằng nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước dần chuyển sang cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp FDI. Hệ quả là có ít doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu mạnh, độc lập, mang tầm vóc quốc gia, quốc tế.
Để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI cần nhiều giải pháp, đặc biệt là chú trọng đến việc triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Tiếp cận các thị trường này cũng giúp doanh nghiệp nhập được công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Song song đó, củng cố năng lực của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với công nghiệp hỗ trợ để nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều quan trọng nữa là cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, xóa bỏ những ưu đãi mà các doanh nghiệp FDI đã tận hưởng trong những năm qua, chuyển hướng vào đầu tư nội lực cho doanh nghiệp nội. Chỉ nên tập trung ưu đãi vào những sản phẩm, chi tiết sản xuất nào tạo giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Điều này, Đồng Nai cũng đã bước đầu nhận ra và đi sớm hơn cả nước nhưng so với yêu cầu vẫn còn phải nỗ lực nhiều.