Để giám sát chuyên đề thực sự mang 'hơi thở' cuộc sống
Thời gian qua, chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND 2 cấp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã nâng lên đáng kể song số lượng và chất lượng còn 'khiêm tốn'; nhất là các chuyên đề về 'tái giám sát' hay việc một số kiến nghị giám sát chưa được giải quyết kịp thời… Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố mới đây, giải pháp cho những hạn chế này đã được các đại biểu tập trung thảo luận sôi nổi.
Cần phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tiễn
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến nhấn mạnh: Những năm gần đây, chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND hai cấp trên địa bàn đã được nâng lên đáng kể. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát đã sát hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn; quy trình và cách thức tổ chức giám sát chuyên đề dần bài bản, khoa học… Tuy nhiên, như đánh giá của nhiều đại biểu thì phương pháp giám sát chuyền đề vẫn còn bất cập. Giám sát ở cơ sở chủ yếu nghe trình bày báo cáo, chưa tiến hành thẩm tra hồ sơ báo cáo nên có một số cuộc kết quả chưa cao; số lượng các cuộc chuyên đề về “tái giám sát” còn ít; một số kiến nghị sau giám sát chưa được giải quyết kịp thời...
Đi tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, tham luận của các Ban HĐND tỉnh đều chung nhận định: Quan trọng nhất là chủ thể hoạt động giám sát phải nắm chắc quy định của pháp luật; nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặt khác, khâu chuẩn bị và lựa chọn nội dung giám sát “trúng và đúng” cũng là yếu tố đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, chỉ nên lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, đang có nhiều bất cập, được dư luận quan tâm; không nên ôm đồm nhiều nội dung để tránh dàn trải, giám sát không sâu. Bên cạnh đó, mời chuyên gia ở các lĩnh vực tham gia giám sát và có thể mở rộng thành phần đoàn giám sát tùy theo tính chất chuyên đề.
Để một cuộc giám sát chuyên đề thực sự mang "hơi thở" cuộc sống, các đại biểu cho rằng, bên cạnh giám sát bằng báo cáo cần tăng cường khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến các tầng lớp Nhân dân, các chủ thể là đối tượng của hoạt động quản lý nhà nước, chịu tác động của chủ trương, chính sách hay những cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát… Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất khi tiến hành giám sát chuyên đề là phải phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tiễn. Đây sẽ là căn cứ để Đoàn giám sát yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giải trình, làm rõ trong buổi làm việc. Trong quá trình giám sát, cần tạo ra không khí cởi mở, xây dựng chứ không phải “bới lông tìm vết” để đối tượng được giám sát nắm bắt và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Từ đó, chia sẻ những vướng mắc, bất cập để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề thực sự hiệu quả…
Không để các kiến nghị giám sát bị “lãng quên”
Trao đổi kinh nghiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, các đại biểu cho rằng, sau mỗi cuộc giám sát chuyên đề phải cho “ra đời” được báo cáo kết quả giám sát chuyên đề đánh giá được đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về nội dung giám sát và phải được tổng hợp qua giám sát thực tế và giám sát qua báo cáo. Các số liệu, nhận định cần tinh gọn nhưng bảo đảm tính chính xác, cần đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế. Trong kết luận, kiến nghị sau giám sát cần có nội dung cụ thể, rõ ràng, đúng phạm vi trách nhiệm thực hiện. Tránh nêu kiến nghị vụn vặt hoặc chung chung, khó khả thi… Đồng thời, có thời hạn, lộ trình cụ thể để yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát thực hiện; tạo cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc khắc phục.
Theo đại diện Thường trực HĐND các huyện Văn Lâm và Văn Giang, chu trình của một cuộc giám sát chưa kết thúc nếu các kiến nghị giám sát chưa được giải quyết triệt để. Nếu thấy kiến nghị giám sát bị “lãng quên”, chưa được giải quyết, có thể có văn bản đôn đốc hoặc tiếp tục chất vấn tại kỳ họp gần nhất của HĐND, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp khắc phục…
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản khẳng định: Trong nội dung kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát đã nêu “rõ người, rõ việc” theo đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát. Do đó, cần phải coi trọng khâu “hậu giám sát” để bảo đảm hiệu quả cuối cùng của hoạt động giám sát chuyên đề là kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Gợi mở giải pháp để làm tốt công tác “hậu giám sát”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau khi báo cáo kết quả giám sát chuyên đề được thông qua, Thường trực HĐND cần phân công rõ nhiệm vụ cho các Ban HĐND, bộ phận tham mưu, giúp việc theo dõi, giám sát, đôn đốc triển khai. Đồng thời, theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát qua các kênh thông tin từ cơ sở, từ tổ chức đảng, đoàn thể các cấp; qua các hội nghị TXCT; qua đề xuất của các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tiếp công dân định kỳ hàng tháng và qua khảo sát trực tiếp tại cơ sở; qua đơn thư và phản ánh của các cơ quan báo chí… Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra các cơ quan, đơn vị được giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát.
Qua theo dõi, nếu phát hiện những nội dung chưa triển khai, có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cần có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị, Thường trực HĐND sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền có hình thức xử lý đối với các đối tượng được giám sát không thực hiện các kết luận, kiến nghị, các yêu cầu đã đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát. “Đối với những vấn đề sau giám sát còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm thì đưa ra giải trình, chất vấn tại phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND hoặc chất vấn tại Kỳ họp HĐND…”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.