Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 30/6, trên Biển Đông xuất hiện cơn bão đầu tiên trong năm 2022 với tên gọi quốc tế là Chaba. Đây cũng được coi là mốc thời gian bắt đầu những tháng cao điểm về mưa bão năm nay.

Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 5 - 6 cơn bão và 2 - 3 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta. Mùa bão bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11, nửa đầu tháng 12; trong đó, tập trung nhiều nhất vào các tháng 8, 9 và 10.

Hàng năm, mưa bão đã cướp đi nhiều sinh mạng và gây thiệt hại lớn về tài sản. Năm 2021 vừa qua được xem là “mưa thuận, gió hòa” nhất trong khoảng 20 năm qua, nhưng số liệu từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai cho thấy, thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng 5.200 tỷ đồng. Trong đó, siêu bão RAI (bão số 9) và liên tiếp 6 đợt mưa lớn từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12/2021 đã gây ngập lụt lịch sử và sạt lở nhiều nơi ở miền Trung.

Tại Lâm Đồng, mặc dù ít bị bão đổ bộ trực tiếp, nhưng hoàn lưu các cơn bão và các loại hình thiên tai khác đã gây thiệt hại không nhỏ trong những năm qua. Với địa hình nhiều đồi dốc nên các loại hình thiên tai mà Lâm Đồng thường hứng chịu là lũ quét, sạt lở đất. Những vùng ven sông, suối thì bị ngập lụt. Riêng Đà Lạt, với đặc trưng địa hình đồi dốc và “rừng trong phố, phố trong rừng” nên còn xảy ra sạt lở đất và cây xanh ngã đổ.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 trận mưa lớn, 4 trận mưa đá, 1 trận lũ quét, 2 vụ sạt lở đất, 12 trận mưa lớn kèm lốc xoáy, 5 vụ sét đánh… gây thiệt hại 1.784 ha cây trồng, 379 căn nhà, 20 ha nhà kính, nhà lưới, 1,2 ha ao cá, 708 con gia súc, gia cầm, ước tổng thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng. Đặc biệt, có 2 người chết, 2 người bị thương.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 4 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 2 đợt lốc xoáy, 1 vụ sét đánh. Các vụ thiên tai đã làm 1 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại 54 căn nhà, 4 trường học, 438 ha cây trồng, 2 ha nhà kính…

Dự báo, trong những tháng cuối năm, trên cả nước nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng, diễn biến thiên tai, mà nhất là mưa bão sẽ rất phức tạp. Chính vì vậy, để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, cần chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Trong đó, cần chú trọng công tác dự báo, phòng ngừa, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất… để kịp thời cảnh báo, di dời dân đến nơi an toàn. Kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình hồ đập; đồng thời, yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành các công trình hồ đập thực hiện nghiêm quy trình xả lũ, hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du.

Một việc quan trọng nữa, đó là công tác thông tin tuyên truyền cần thực hiện thường xuyên; vừa mang đến cho người dân những thông tin chính xác, kịp thời về diễn biến mưa bão; đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh, không được chủ quan với mưa bão.

NAM VIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202207/so-tay-de-giam-thieu-thiet-hai-do-mua-bao-3123426/