Để giáo dục phát triển bền vững

Những năm qua, chất lượng giáo dục của Vĩnh Phúc luôn đứng trong tốp đầu toàn quốc và có sự tăng trưởng theo từng năm. Để duy trì sự phát triển bền vững đó, cùng với 2 yếu tố nền tảng là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, việc ngành Giáo dục triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác chuyên môn đã đóng vai trò quan trọng, cốt lõi.

Giáo viên Trường THCS Yên Bình, huyện Vĩnh Tường bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: Kim Ly

Giáo viên Trường THCS Yên Bình, huyện Vĩnh Tường bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: Kim Ly

Hướng đến chất lượng giáo dục thực chất

Xác định “bệnh thành tích” là căn bệnh cố hữu, cản trở sự phát triển của giáo dục, Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường kiên quyết đấu tranh với căn bệnh này, lấy chất lượng thực chất làm nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong quá trình dạy học, nhà trường, giáo viên phải lấy học sinh làm trung tâm, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; phải khơi dậy sự đam mê, tính sáng tạo của các em.

Cùng với đó, giáo dục cho học sinh hiểu việc học là cho chính mình, học vì sự tiến bộ của bản thân các em. Giáo viên cũng phải bám sát để thấy được năng lực, thế mạnh và hỗ trợ, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh.

Công tác quản lý chất lượng giáo dục, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh tại các nhà trường phải thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thực chất. Sở GDĐT tăng cường, siết chặt công tác kiểm định chất lượng giáo dục của các đơn vị...

Nhận thức được vai trò quan trọng của bậc học nền tảng, Trường tiểu học Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên luôn chú trọng đảm bảo chất lượng giáo dục thực chất. Nhà trường yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó, lập ra định mức, yêu cầu, phương pháp giảng dạy đối với từng đối tượng học sinh. Nhà trường đã tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1 để thuận lợi cho nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các năm tiếp theo.

Cùng với đó, tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm để học sinh phát triển toàn diện. Đặc biệt, với quan điểm “Không để học sinh ngồi nhầm lớp”, nhà trường kiên quyết không để học sinh yếu, kém lên lớp. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 7 học sinh phải rèn luyện lại trong hè, trong đó, 5 học sinh không đạt yêu cầu phải học lại…

Để đảm bảo chất lượng giáo dục thực chất, Trường THPT Quang Hà, huyện Bình Xuyên thực hiện chặt chẽ 4 bước: Lập kế hoạch giáo dục, tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục, chỉ đạo các hoạt động giáo dục, kiểm tra giám sát nội dung giáo dục.

Đặc biệt, thông qua các đợt khảo sát của Sở GDĐT và nhà trường, giáo viên đánh giá mức độ tiến bộ của học sinh, từ đó, điều chỉnh kế hoạch dạy học để nâng cao hiệu quả giáo dục và sự tiến bộ của học sinh, sự chênh lệch giữa chỉ số đầu vào với chỉ số đầu ra của học sinh là căn cứ đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên.

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường linh hoạt kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và đảm bảo chất lượng giáo dục…

Xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp tiệm cận chuẩn Quốc tế

Cùng với học thật, thi thật, chất lượng giáo dục thật, Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như phân loại học sinh theo mức độ nhận thức để có chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả.

Tích cực “đổi mới căn bản toàn diện GDĐT”; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các phong trào thi đua “Dạy tốt-học tốt”; kịp thời khen thưởng, nhân rộng những điển hình.

Tăng cường dạy học ngoại ngữ, tin học và triển khai các mô hình giáo dục STEM, giáo dục trải nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cho học sinh. Quan tâm đến các trường học khu vực khó khăn để thu hẹp sự chênh lệch về chất lượng giáo dục.

Sở GDĐT, Phòng GDĐT các huyện, thành phố công khai kết quả thi, xếp hạng để các đơn vị biết thực trạng, vị trí của mình nhằm có định hướng chỉ đạo, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục…

Đối với chất lượng giáo dục mũi nhọn, Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục duy trì phong trào bồi dưỡng HSG; các trường THCS trọng điểm tích cực tạo nguồn cho Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng HGS quốc gia, quốc tế…

Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: “Những năm qua, nhà trường luôn làm tốt sứ mệnh là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. 3 năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác bồi dưỡng HSG quốc gia, quốc tế vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục.

Giáo viên tổ chức ôn luyện và khuyến khích học sinh nâng cao khả năng tự học; chủ động số hóa tài liệu và xây dựng kho dữ liệu phục vụ kỳ thi chọn HSG quốc gia; đổi mới hình thức kiểm tra, chú trọng đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh…

Nhờ đó, thành tích HSG quốc gia của nhà trường luôn đứng tốp đầu cả nước; liên tiếp có học sinh đạt giải Olympic quốc tế. Hiện tại, thầy và trò nhà trường miệt mài ôn luyện sẵn sàng cho hành trình chinh phục bảng vàng HSG quốc gia, quốc tế năm 2022".

Phó Giám đốc Sở GDĐT Đặng Công Hòa cho biết: “Giáo dục phát triển bền vững là chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao và đó là chất lượng thực. Với sự nỗ lực không ngừng, nhiều năm nay, chất lượng giáo dục Vĩnh Phúc luôn tăng và đứng tốp đầu cả nước.

Hiện, ngành GDĐT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyên môn, tích cực chống “bệnh thành tích” để giáo dục Vĩnh Phúc phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, tiệm cận chuẩn quốc tế”.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/70683/de-giao-duc-phat-trien-ben-vung.html