Để giữ chân vận động viên thành tích cao

Trước năm 1985, ngành thể dục thể thao (TDTT) Hải Dương đã tham mưu cho tỉnh phát triển 5 môn thể thao mũi nhọn là điền kinh, bơi lội, bóng bàn, bắn súng và bóng chuyền nữ.

Nếu có nhà tài trợ mạnh, chắc chắn bóng chuyền nữ Hải Dương sẽ trở lại mạnh mẽ hơn

Nếu có nhà tài trợ mạnh, chắc chắn bóng chuyền nữ Hải Dương sẽ trở lại mạnh mẽ hơn

Ngay sau đó, các vận động viên (VĐV) đã giành được những thành tích rất đáng tự hào.

Về điền kinh, VĐV Hoàng Thị Chinh nhất 5 môn phối hợp (huy chương vàng) toàn miền Bắc. VĐV Phí Thị Thắm giành huy chương vàng ở cự ly 400 m và 800 m tại giải điền kinh toàn quốc những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Về bơi lội, Nguyễn Chí Lập giành huy chương vàng GANEFO châu Á được tổ chức tại Indonesia năm 1963. Các thế hệ VĐV tiêu biểu bơi vượt sông Bạch Đằng như Phạm Văn Bách, Nguyễn Văn Đuốc, Lê Hữu Mực vang bóng một thời. Về bóng bàn, Hải Dương có Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Đức Long. Bắn súng có Nguyễn Thị Hồng, Đinh Bá Lạm và đặc biệt là Nguyễn Đức Uýnh nằm trong đoàn tuyển thủ Việt Nam tham gia thi đấu Olympic Moscow năm 1980. Các VĐV Hải Dương hai lần vô địch giải bóng chuyền nữ toàn quốc các năm 1978 và 1980, được đi thi đấu quốc tế tại Trung Quốc, Triều Tiên.

Có thể nói Hải Dương đã xác định đúng, rõ ràng, chính xác những môn thể thao truyền thống trọng điểm phù hợp với đặc điểm, năng khiếu, tố chất của người Hải Dương. Giai đoạn này, thể thao Hải Dương duy trì phát triển môn bóng đá, từ một đội bóng hạng B toàn miền Bắc mang tên Thanh niên đường 5 sau đổi tên thành đội bóng đá Trung đại tu ô tô đã phấn đấu lên hạng A2 toàn quốc và sau đó lên hạng A1.

Năm 1985, Việt Nam chính thức tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất. Thời điểm này, Hải Dương tiếp tục tập trung đầu tư 5 môn thể thao mũi nhọn. Tỉnh ta tham gia thi đấu 4/22 môn với tổng số 16 VĐV điền kinh, bơi lội, bóng bàn, bắn súng, giành tổng số 12 huy chương các loại, xếp thứ 10/47 tỉnh, thành, ngành.

Qua 8 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đoàn VĐV thể thao Hải Dương vẫn là một trong 10 đơn vị dẫn đầu các tỉnh, thành phố, ngành mạnh nhất toàn quốc.

Cần có cơ chế phù hợp để giữ chân các vận động viên thành tích cao ở lại Hải Dương

Cần có cơ chế phù hợp để giữ chân các vận động viên thành tích cao ở lại Hải Dương

Năm 2022, nếu không có gì thay đổi, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, chúng ta đã, đang và sẽ tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu giữ vững vị trí là một trong 10 đơn vị mạnh nhất toàn quốc.

Các VĐV rất phấn khởi khi Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 24.12.2020 của HĐND tỉnh "Về quy định một số chế độ, chính sách, đối với huấn luyện viên, VĐV và chi tiêu tài chính đối với các giải thể thao" ra đời. Nghị quyết quy định rõ chế độ dinh dưỡng đối với đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ của tỉnh; chế độ thuốc bổ, thực phẩm chức năng, chế độ thưởng (tại chỗ), chế độ thưởng cho các đội tuyển, tuyển trẻ các giải vô địch quốc gia, Đông Nam Á, châu Á, Olympic cho từng môn và các môn tập thể đối với huấn luyện viên và VĐV.

Những quy định cụ thể này không những động viên khích lệ VĐV nhiệt huyết tập luyện, tham gia thi đấu mà còn bảo đảm năng lượng cần thiết để VĐV thực hiện khối lượng vận động, cường độ vận động đối với từng giáo trình, giáo án, chu kỳ huấn luyện đối với VĐV thể thao thành tích cao.

Nghị quyết số 16 này có tác dụng trực tiếp tới việc nuôi dưỡng VĐV thể thao thành tích cao. Nhưng tuổi đời cống hiến cho sự nghiệp TDTT rất ngắn, lớp lớp con em Hải Dương chẳng những có năng khiếu về thể thao, mà còn giàu tố chất về sức nhanh, mạnh, bền, khéo, dẻo. Nhiều VĐV bóng chuyền nữ được đào tạo bài bản, kỹ chiến thuật tốt đã từ bỏ quê hương đi đầu quân cho các đội tuyển bóng chuyền mạnh. Hơn nữa, số lượng VĐV luân huấn được hưởng chế độ của Hải Dương lại không nhiều, nhất là khi so với gần 2 triệu dân Hải Dương. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng nên có chính sách để lưu giữ những VĐV cấp I và kiện tướng quốc gia, quốc tế gắn bó với quê hương.

Năm 1999, 160 VĐV cấp I, kiện tướng đã được hưởng lương, hưởng chế độ đóng bảo hiểm xã hội. Nay không còn chế độ đó, vì vậy họ nên có nguồn kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này được hưởng chế độ. Các môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền nữ nên chuyển giao cho các doanh nghiệp mạnh của tỉnh. Bóng chuyền nữ nếu có doanh nghiệp tài trợ, góp phần giải quyết đầu ra cho VĐV thì chắc chắn đội sẽ trở lại hạng đội mạnh toàn quốc...

TRỊNH CÔNG QUYỀN
Nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao Hải Dương

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/ban-doc-viet/de-giu-chan-van-dong-vien-thanh-tich-cao-193154