Để 'góc sân và khoảng trời' của con là những ký ức tươi đẹp
Mơ ước con cái sau này giỏi giang, đỗ đạt là mong muốn dễ hiểu và chính đáng của người làm cha làm mẹ. Nhưng mong muốn ấy có phù hợp với năng lực, trí tuệ và nhất là, có phải mong ước thực sự của các con không?
Những ngày này, thời tiết các miền đều nóng nực, oi ả. Nhưng có lẽ nóng hơn cả nhiệt độ của một mùa hè nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây là chuyện thi cử. Mong sao gánh nặng học hành không đè lên đôi vai bé nhỏ của con.
Vật vã, hao tổn, tốn kém từ thời gian, tiền bạc cho tới trí não, công sức, nhưng không phải ai cũng được nở nụ cười hạnh phúc, kiêu hãnh vì con. Bởi suy cho cùng, tinh hoa bao giờ cũng là của quý hiếm và vòng nguyệt quế thì không dành cho số đông.
Với bất kỳ ông bố bà mẹ nào, con cái cũng là những báu vật!
Yêu thương vô hạn thì ước vọng cũng vô biên. Mơ ước con cái sau này giỏi giang, đỗ đạt là mong muốn dễ hiểu và chính đáng. Nhưng mong muốn ấy có phù hợp với năng lực, trí tuệ và nhất là, có phải mong ước thực sự của các con không thì dường như không nhiều bố mẹ nghĩ tới hoặc chưa coi trọng.
Ngay từ khi đứa trẻ chuẩn bị vào lớp 1, nhiều bậc phụ huynh đã tìm mọi cách để con có chỗ ở một trường điểm, có tiếng, cho dù quãng đường đến trường có xa đến mấy. Nỗi khổ học trường xa nhà, chính đứa trẻ là người đầu tiên phải hứng chịu, khi thay vì được ngủ thêm 15- 20 phút ở cái tuổi ham chơi hơn ham học, con lại phải mắt nhắm mắt mở đến trường, kéo theo nỗi vất vả của bố mẹ, ông bà...
Xong cuộc chiến chọn trường, chọn lớp, sẽ tới cuộc chiến với điểm số. Nhiều học trò, bắt đầu từ tiểu học cho đến cả cấp 2, cấp 3, đại học... luôn cảm thấy lo sợ, thậm chí như bị ám ảnh mỗi khi bố mẹ hỏi điểm, hỏi kết quả ở lớp mỗi khi về đến nhà. Với không ít bậc phụ huynh, điểm 7, 8, thậm chí 9 vẫn là không thể chấp nhận được. Và những lời mắng mỏ, giận dữ, ánh mắt trách móc, thất vọng của bố mẹ sẽ trở thành ký ức nặng nề ám ảnh, ngay cả khi chúng đã lớn lên, trưởng thành.
Có thể nói, các con càng lớn, kỳ vọng của cha mẹ cũng lớn theo. Nhiều bậc phụ huynh từng thất vọng vì tuổi trẻ của bản thân mình thì nay lại mang ước vọng chưa thành ấy đặt lên vai các con. Những đứa trẻ tội nghiệp chịu nhiều tầng áp lực từ bạn bè, nhà trường, thày cô và có lẽ nặng nề nhất, chính là từ những người thương yêu chúng nhất trên đời: bố mẹ của các con!
Có lẽ chính vì thế mà một hình ảnh, đáng lẽ, cũng là rất bình thường trong đời sống, lại có thể khiển cộng đồng mạng cho là câu chuyện cảm động cần chia sẻ, ấy là hình ảnh một mùa thi gần đây, cô học trò nhỏ mếu máo với cha sau khi thi xong một môn thi vào lớp 10: “Con đọc đề thi con không hiểu, con chỉ làm được một ít thôi”, thì người cha, thay vì hỏi han, vặn vẹo, trách mắng như thường thấy, lại ôm con vào lòng, âu yếm động viên “Không sao con. Cười đi nào. Về nhà thôi con”.
Một câu nói thật giản dị của một người cha nghèo, lam lũ nhưng lại chứa đầy yêu thương, bao dung và thấu hiểu. Giờ phút có lẽ là khó khăn nhất với cuộc đời học trò, cô gái nhỏ đã có trái tim thật nhân hậu, ấm áp của cha để tựa vào, để em có thêm can đảm và nguồn động viên, để nỗ lực bước tiếp trên con đường còn rất nhiều thử thách ở phía trước.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói “Trong mỗi đứa trẻ đều có một góc sân và khoảng trời riêng của mình”. Để cho mỗi góc sân và khoảng trời ấy là ký ức trong veo, đẹp đẽ, láp lánh hạnh phúc của tuổi học trò, các bậc làm cha làm mẹ đừng bao giờ mang những kỳ vọng quá mức của bản thân mình, chất lên đôi vai bé nhỏ của con.
Hãy để các con được hồn nhiên lớn lên, hào hứng, say mê, học hành, tìm hiểu những lĩnh vực mà chúng có năng khiếu và thực sự yêu thích. Hãy để mỗi ngày các con tới trường là một ngày vui và cha mẹ, gia đình mãi là nơi đong đầy yêu thương, chốn bình yên đi về và ấm áp chở che chúng, trong những giờ phút êm đềm, cũng như những thời khắc khó khăn của cuộc sống./.