Dế gọi mùa yêu...
Hà Ngọc không phải là 'Dế Mèn phiêu lưu ký', phải khẳng định vậy. Em là con dế mèn bé nhỏ, hòa lẫn vào lớp lớp tông ti họ nhà dế, hòa đồng với tất cả sinh linh. Có lẽ, đó không phải là số phận mà chính là chọn lựa. Dẫn nhập của tập sách nói với tôi như thế!
Hà Ngọc không phải là "Dế Mèn phiêu lưu ký", phải khẳng định vậy. Em là con dế mèn bé nhỏ, hòa lẫn vào lớp lớp tông ti họ nhà dế, hòa đồng với tất cả sinh linh. Có lẽ, đó không phải là số phận mà chính là chọn lựa. Dẫn nhập của tập sách nói với tôi như thế!
Để đọc được "Dế gọi mùa yêu", bạn phải hòa mình vào làng quê thôn dã, vểnh tai nghe những tên gọi "rặt quê", rồi nhíu mày tư lự, rồi à ồ gật gật khi ai đó gỡ chữ giùm cho.
Đất sinh ra người, khí chất Hà Ngọc cũng như cây cỏ miền trung du, hồn nhiên lớn lên trong lành và bảng lảng. Câu chữ em dùng, tưởng là dân dã, hóa ra lại làm khó tôi. Sinh trưởng từ quê, chỉ mới hơn chục năm nhập phố mà đã thấy ngờ ngợ, mai một với những cách nói vần vè, chất nhạc chất thơ chảy ra cửa miệng làm tôi nghèn nghẹn vì nhớ bà tôi nhẩn nha hát lối mỗi mùa ngô khoai.
"Dế gọi mùa yêu" đưa đẩy dìu tôi cùng vui cùng buồn, ngắm lại tuổi thơ và nhớ quê khắc khoải. Truyện nhưng là thật, có tiếng có hình, thậm chí cả hương, đằm dịu thấm vào mắt rồi len lỏi trong lòng, nhộn nhạo lâng lâng.
Hà Ngọc dẫn chuyện hồn hậu, bao dung, như màu hây hẩy trên đôi má của những em bé miền sơn cước. Đơn giản mà níu lòng người đọc. Em viết như thể không có tẹo nào hư cấu, thật đến quặn lòng nhờ tỉ mẩn quan sát ngó nghiêng, vọc tay cầm nắm, rê mũi hít hà... Viết nghiêm túc đến mức kính cẩn!
Thì đây, các bạn chỉ cần đọc đoạn trích này để cảm nhận và minh chứng cho tác giả, lúc em đau đáu, bất lực nhìn cây Tếch vật lộn với lũ dữ: "Liệu nó có đủ sức để chống trả, để không bị khuất phục, không bị tróc rễ, bật gốc, phải chịu trăm ngàn va đập của dòng lũ kia mà trở thành một gốc củi khô, mà kết thúc chuỗi sinh tồn trên mặt đất, vĩnh viễn không bao giờ chạm tới giấc mơ một lần được hóa thân thành những chiếc báng súng, vẫy vùng cho thỏa đời trai, hoặc sẽ được đằm mình vào những vân gỗ trên thân một cây đàn, cùng những ngón tay thon xinh đẹp tấu lên bản tình ca say đắm"?
"Thiên phóng sự" Tìm Phố; "Những viên gạch" của làng Vũ Đại; Bãi Giữa, rưng rưng miền nhớ, Hương tràm Tây Bắc... như những lát cắt đậm sâu, để Hà Ngọc thêm một lần được hoài niệm về quãng yên bình rồi tiếc nuối vì phải lớn lên, cọ xát với đời. Cái tôi suy tư, giãi bày, đau đáu... về miền đất miền người của Hà Ngọc dần hé lộ, dường đã ngấp nghé chạm đến trái tim bạn đọc. Nhẹ nhàng mà chơi vơi!
Chú "dế mèn nhỏ xinh" này cũng hiếu khách đáo để, dẫn đường và liếng thoắng như cô hướng dẫn viên yêu nghề được thỏa thích nói, thỏa thích hoài niệm và tự hào về miền trung du Yên Bình, Yên Bái ngọt lành. Chịu khó và rành rẽ giới thiệu cả những con hến, viên sỏi, ngọn cỏ, thậm chí là làn hương mỏng thoảng qua ngang mũi... Cô gái này cũng có một trí nhớ rất "tham lam", kể vanh vách mọi ngóc ngách, chuyện lớn chuyện bé đã cùng cô lớn lên êm đềm và bình dị. Một tinh thần lao động rất đáng trân trọng!
Có những chuyện em kể, mới nghe qua thì thấy tủn mủn, vụn vặt nhưng đọc kỹ lại thấy thương cảm cho sự "ngây thơ cũ" muốn nắm giữ ký ức tuổi thơ trong tay, thỉnh thoảng lại sè sẽ hé ra rồi mau chóng bụm lại kẻo sợ rơi mất.
Tôi và tác giả chưa hề chạm mặt, chỉ mới biết nhau qua việc đặt mua "Dế gọi mùa yêu" trên facebook, nhưng cái cách cô ấy rút hết tâm can cho tập sách này khiến tôi ngưỡng mộ. Khi tôi báo tin đã nhận được sách, em ấy dặn dò theo kiểu van lơn, nguyên văn: "Đừng đọc lúc vội nhé anh. Em xin cho Dế những phút lắng lòng". Thế đấy, tình cờ mà quý mến, từ văn chương bước ra cuộc sống đều rất đỗi dễ thương.
Hà Ngọc- chú dế nhỏ, hãy cứ hồn nhiên và bền bỉ hát lời tự tình "cri, cri" để tô đẹp cuộc đời này...
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_237060_de-goi-mua-yeu.aspx