Để hạ tầng 'cất cánh'
Một trong những thông tin “nóng” nhất trên khắp các diễn đàn internet vài ngày gần đây là việc Thủ tướng Chính phủ chính thức chấp thuận cho Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án cầu Cát Lái, thay thế cho phà Cát Lái hiện hữu.
Cầu Cát Lái là cây cầu nối tiếp giữa quận 2 của TP.Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, sẽ khởi công vào năm 2020 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025 để thay thế và giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông tại phà Cát Lái. Về phía Đồng Nai, cây cầu nối liền với TP.Hồ Chí Minh dự đoán sẽ gây tác động lớn đến sự phát triển của huyện Nhơn Trạch bởi “hạ tầng đi trước, kinh tế theo sau”.
Nếu cây cầu hoàn thành, hệ thống giao thông TP.Hồ Chí Minh - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.Hồ Chí Minh - Sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.
Khỏi phải nói, người dân Nhơn Trạch nói riêng và Đồng Nai nói chung quan tâm đến thông tin này nhiều đến mức nào. Hơn 10 năm qua, Nhơn Trạch “mang tiếng” là một trong những đô thị bị “đóng băng” khi những tính toán về quy hoạch không triển khai được trên thực tế, kỳ vọng về một “thành phố mới Nhơn Trạch”- cửa ngõ phía Đông của TP.Hồ Chí Minh cũng chưa thể thành hình bởi những nút thắt về hạ tầng chưa “gỡ” được.
Thực tế, một đô thị dù có được quy hoạch đẹp đẽ đến đâu, nếu thiếu sự kết nối về hạ tầng với những đô thị xung quanh, không “đấu nối” được vào những cung đường trọng yếu một cách tiện lợi thì quy hoạch mãi vẫn sẽ là… quy hoạch. Huyện Nhơn Trạch có vị trí liền lạc với TP.Hồ Chí Minh - một “siêu đô thị” gần 9 triệu dân và được mệnh danh là khu “tam giác vàng” của vùng TP.Hồ Chí Minh khi ba mặt giáp Long Thành, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhơn Trạch được đánh giá là sẽ phát triển rất nhanh nếu cầu Cát Lái hoàn thành khi được “cộng hưởng” hạ tầng từ khu vực xung quanh.
Trước mắt, để xây cầu, cần đến một nguồn vốn khá lớn: khoảng 7,2 ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc tính toán để xoay xở vốn đầu tư cho những dự án hạ tầng lớn như vậy không phải dễ, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của tỉnh Đồng Nai, bởi phát triển hạ tầng đang là nhu cầu bức thiết và tỉnh không chỉ chịu trách nhiệm thực hiện một cây cầu Cát Lái. Song, “phần thưởng” của nỗ lực đó chính là sự kỳ vọng của người dân rằng trong 5-10 năm tới, cùng với các dự án lớn như Sân bay Long Thành, các đường cao tốc… thì hạ tầng Đồng Nai thực sự sẽ “cất cánh”, kéo theo nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển mạnh mẽ.