Để Hải Hậu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 (kỳ 3)
Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ 2020-2025, Hải Hậu tập trung vào 3 khâu đột phá: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
TIN LIÊN QUAN
Để Hải Hậu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 (kỳ 1)
Để Hải Hậu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 (kỳ 2)
(Tiếp theo và hết)
Kỳ III
Để mỗi miền quê là không gian sống mơ ước
Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ 2020-2025, Hải Hậu tập trung vào 3 khâu đột phá: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá
Đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Mục tiêu phấn đấu năm 2021, Hải Hậu đạt huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao; năm 2025 đạt huyện NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” - Đó là yêu cầu của tỉnh cũng là nguyện vọng của toàn thể Đảng bộ, quân và dân Hải Hậu. Đây là nhiệm vụ lớn, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu ấy, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của tỉnh, ngay đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề, đề án cụ thể. Theo Chủ tịch UBND huyện Đỗ Hải Điền: Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo mô hình đa cực, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, huyện đã rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tích hợp đầy đủ và đồng bộ các quy hoạch cấp huyện có liên quan đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Tổ chức lập quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là các vùng nuôi ven biển; đồng thời đề xuất xây dựng các dự án đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản cho các vùng nuôi tương ứng. Lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ và Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I. Đề xuất quy hoạch và triển khai xây dựng Khu công nghiệp ven biển Hải Lộc - Hải Đông - Hải Lý. Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng tuyến đường quốc lộ ven biển đi qua địa bàn huyện kết hợp với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của huyện đảm bảo kết nối hài hòa. Huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ xã hội hóa để thúc đẩy lộ trình nâng cấp thị trấn Thịnh Long thành đô thị trung tâm ven biển của tỉnh theo hướng phát triển du lịch, dịch vụ vận tải biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Phát triển các ngành kinh tế biển thế mạnh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình du lịch hợp lý. Phấn đấu đến năm 2023 hình thành các khu du lịch và tua du lịch kết nối: Hải Đông - Nhà thờ đổ Văn Lý - Thịnh Long, khu di tích lịch sử cầu Ngói - chùa Lương, làng nghề Hải Minh... Phát triển công nghiệp đóng tàu và các nghề phụ trợ để đến năm 2025 toàn huyện phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lên thành 7 chiếc với công suất trên 800CV, tải trọng trên 1.000 tấn. Phát triển nhanh diện tích nuôi công nghiệp theo VietGAP, đảm bảo đến năm 2025 đạt trên 1.000ha. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị phát triển các mô hình nuôi và sản xuất con giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm. Hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất - khai thác - chế biến - xuất khẩu.
Năm 2021 và cả nhiệm kỳ, Hải Hậu thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, huyện xác định các sản phẩm chủ lực, thế mạnh gồm: Lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, tôm, cây dược liệu và các sản phẩm thủy sản chế biến. Trên cơ sở đó lập quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực; khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực và nhân rộng các chuỗi liên kết hiệu quả. Phát triển sản phẩm OCOP mới, đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững và có ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đồng thời nâng cấp một số sản phẩm OCOP hiện có để đạt tiêu chuẩn 5 sao. Tiếp tục chuyển đổi nhanh, hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Xây dựng và nhân rộng nhanh mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Ứng dụng nhanh, đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất chủ yếu.
Để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, huyện điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp Hải Phương, Thịnh Long; tiếp tục lập, phê duyệt và kêu gọi đầu tư để thực hiện quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp: Hải Đông, Hải Xuân. Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; ưu tiên công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp thân thiện với môi trường trên cơ sở tiếp cận công nghệ mới, công nghệ cao. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân, cụm công nghiệp Hải Xuân và vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư cải tạo môi trường làng nghề Hải Minh. Định hướng, đề xuất kêu gọi đầu tư FDI xây dựng mới một số khu, cụm công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý đất đai và bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Chỉnh trang, nâng cấp toàn diện cảnh quan môi trường theo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp” đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Nhân rộng nhanh các mô hình phong trào quần chúng về bảo vệ môi trường hiện có như phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, tuyến đường kiểu mẫu, thắp sáng đường quê, cảnh quan môi trường từ gia đình đến xóm, từ xóm đến xã thường xuyên xanh - sạch - đẹp. Hoàn thành nâng cấp tất cả khu xử lý rác thải tập trung cấp xã theo hướng thân thiện với môi trường. Lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch và tổ chức xây dựng từ 1 đến 2 khu xử lý rác thải tập trung cấp huyện hoặc các khu liên xã.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đồng chí Trần Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu chia sẻ: Từ thực tiễn triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”, Đảng bộ huyện Hải Hậu nhận thấy kết quả mới chỉ là bước đầu, còn nhiều nội dung chưa đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu của Đảng bộ tỉnh đặt ra với địa phương. Trong đó đặc biệt là nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập để phát triển bền vững. Với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu xây dựng mỗi vùng quê Hải Hậu đều trở nên đáng sống, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Hải Hậu chú trọng khai thác giá trị truyền thống, đặc trưng riêng có, sự vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương làm nên sức mạnh cộng đồng. Trước hết, khơi dậy nét đẹp, truyền thống văn hóa “Tứ tính, Cửu tộc” được hình thành từ hơn 500 năm trước, truyền thống 42 năm là điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước để tạo nên sức mạnh cộng đồng, động lực, làn sóng trong phong trào thi đua xây dựng NTM giữa hộ gia đình với nhau, giữa các xóm (TDP), sự hòa thuận của đồng bào lương giáo trong từng khu dân cư và việc xây dựng NTM đã trở thành nhu cầu hàng ngày, nét đẹp văn hóa của đại đa số người dân Hải Hậu. Làm tốt công tác xã hội hóa, khơi dậy, động viên sức mạnh của cả huyện, các chức sắc tôn giáo, con em xa quê quan tâm ủng hộ vật chất và tinh thần trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Phải quán triệt cụ thể hóa chỉ đạo của cấp ủy cấp trên thành các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của cấp mình đúng, trúng, phù hợp với thực tiễn và tính khả thi cao. Có sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình.
Công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, để người dân ở nông thôn nhận thức rõ: Xây dựng NTM là làm cho chính mình, nhân dân là người hưởng thụ; người dân ở nông thôn phải là chủ thể chính trong xây dựng và thụ hưởng thành quả NTM. Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng; vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tạo niềm tin, sức lan tỏa, chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm theo. Chủ động, sáng tạo lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp, lựa chọn khâu đột phá vào các tiêu chí khó; tiêu chí chủ đạo quyết định trong xây dựng NTM và trong phát triển kinh tế - xã hội vừa đáp ứng yêu cầu chung vừa phải phù hợp với phong tục tập quán để người dân đúng là chủ thể thực hiện. Coi trọng phát huy dân chủ, đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện các chương trình, kế hoạch (trong 2 năm 2019, 2020 Hải Hậu đã có 100% xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân); chăm lo phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế - văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân; tranh thủ thời cơ, phát huy mọi nguồn lực, nhất là những kết quả, bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2015-2020; kiên quyết khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, hạn chế, Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Hải Hậu quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng Hải Hậu đạt huyện NTM kiểu mẫu, xứng đáng với truyền thống lịch sử, văn hóa của “Vùng biển sáng Anh hùng”./.
Bài và ảnh: Việt Thắng