Để HĐND cấp xã hoạt động hiệu quả, thực chất
Hoạt động giám sát của HĐND cấp xã tại tỉnh Hải Dương thời gian qua còn nhiều hạn chế nên cần có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Kỳ họp thứ nhất HĐND xã An Phú (Nam Sách) nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức vào sáng 1/12. Xã An Phú được sáp nhập từ 2 xã An Lâm, Phú Điền. Ảnh: PHONG TUYẾT
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn hệ thống chính trị nói chung và chất lượng đại biểu HĐND các cấp, trong đó có đại biểu HĐND cấp xã là vấn đề mang tính then chốt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã.
Tổng số đại biểu HĐND cấp xã tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 5.702 người. Trong đó, đại biểu nữ chiếm 27,83%; đại biểu người dân tộc thiểu số chiếm 0,33%; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm 21,96%; đại biểu ngoài đảng chiếm 12,29%; đại biểu tái cử (tỷ lệ so với người trúng cử) chiếm 55,61%; đại biểu đại diện các tôn giáo là 1,18%; tự ứng cử là 0,04%.
Từ khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động giám sát của HĐND cấp xã tại tỉnh Hải Dương đã có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng.
Cụ thể, hoạt động xem xét báo cáo tại kỳ họp của HĐND cấp xã được quan tâm, thực hiện bài bản. Ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND là kết quả của việc giám sát qua báo cáo kết hợp với quá trình giám sát thực tế.
Hoạt động chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn từng bước được nâng cao về chất lượng. Nội dung chất vấn đa dạng, đề cập đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc, có tính thời sự, được cử tri và người dân phản ánh, kiến nghị. Thái độ chất vấn đúng mực, thẳng thắn và kiên quyết đi đến làm rõ trách nhiệm và hướng giải quyết của các cơ quan hữu quan. Hầu hết các ý kiến chất vấn đều được các trưởng ban, ngành tiếp thu, trả lời rõ ràng, gắn trách nhiệm và thời hạn giải quyết.
Việc tổ chức giám sát chuyên đề được tiến hành theo kế hoạch, tạo sự chủ động cho thường trực, các ban và các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia hoạt động giám sát. Các đoàn giám sát của HĐND cấp xã đã tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm. Việc tổ chức giám sát cơ bản bảo đảm các quy định của pháp luật. Các báo cáo giám sát đã cung cấp thông tin hữu ích giúp đại biểu HĐND có cơ sở để thảo luận và quyết định các vấn đề, biểu quyết thông qua các nghị quyết. Các kết luận, kiến nghị trong báo cáo giám sát được đôn đốc, theo dõi thực hiện. Các cấp, các ngành của địa phương đã có sự phối hợp khá chặt chẽ trong quá trình giám sát và thực hiện kiến nghị giám sát.

Các chuyên viên, thành viên đoàn giám sát ghi lại hình ảnh khi giám sát trực tiếp (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, hoạt động giám sát của HĐND cấp xã tại tỉnh Hải Dương thời gian vừa qua còn những hạn chế.
Cụ thể, hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân chưa rõ nét.
Số lượng đại biểu đăng ký chất vấn còn ít. Một số đại biểu kiêm nhiệm, có chức danh lãnh đạo ít khi tham gia chất vấn. Sự phối hợp để giải quyết những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành chưa thật chặt chẽ... Sự tham gia của các đại biểu kiêm nhiệm trong giám sát chuyên đề của các ban HĐND cấp xã còn hạn chế.
Số lượng, quy mô và phạm vi giám sát của thường trực và các ban HĐND cấp xã tuy có tăng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là việc giám sát thực hiện những vấn đề lớn, phát sinh, cần giải quyết ngay có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Phương thức giám sát còn rập khuôn, ít có sự đổi mới.
Việc thực hiện kiến nghị sau giám sát và việc thực hiện kết luận của chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND, phiên họp của thường trực HĐND có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa kịp thời, hiệu quả.
Những hạn chế nêu trên, do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân mang tính quyết định nhất vẫn là chất lượng đại biểu. Một số đại biểu chưa đáp ứng được năng lực, thiếu kỹ năng giám sát. Công tác tập huấn, bồi dưỡng đại biểu chưa thường xuyên, thiếu hiệu quả. Cơ sở vật chất bảo đảm cho các hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND còn thiếu.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, để HĐND cấp xã hoạt động có chất lượng, hiệu quả thực chất, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, cấp ủy Đảng ở cơ sở cần tăng cường sự lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, phân công cán bộ có tâm, có tầm làm công tác HĐND để xây dựng HĐND thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Hai là, nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND. Cần quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức không ngừng để nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp. Đại biểu HĐND cần tăng cường trách nhiệm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng giám sát, đại biểu kiêm nhiệm cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát
Ba là, không ngừng đổi mới hình thức, phương thức giám sát, bảo đảm thực chất, hiệu quả hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình giám sát phải tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật, từ việc đề xuất lựa chọn nội dung giám sát đến việc tổ chức đoàn giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai phù hợp với thực tiễn địa phương.
Bốn là, nâng cao năng lực hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc của HĐND cấp xã theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Bố trí đủ số lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, bảo đảm không chồng chéo. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tham mưu, giúp việc. Đồng thời bố trí hợp lý các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám sát.
Năm là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND. Cần tăng cường tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, nơi cư trú, nơi làm việc. Đại biểu HĐND phải giành thời gian để tiếp dân, trong hoạt động đại biểu phải thật sự gần dân để hiểu dân hơn, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đến với HĐND để góp phần cùng HĐND quyết định đúng đắn những vấn đề quan trọng của địa phương.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/de-hdnd-cap-xa-hoat-dong-hieu-qua-thuc-chat-405788.html