Để hòa bình không chỉ là hy vọng

Sau khi lệnh ngừng bắn ở dải Gaza có hiệu lực, kết thúc 11 ngày giao tranh đẫm máu giữa lực lượng vũ trang Hamas của Palestine với quân đội Israel, cả hai bên đã cùng tuyên bố chiến thắng. Nhưng có thể hiểu rằng, trong lần xung đột này, không bên nào giành chiến thắng khi cùng phải trả giá đắt cho những ngày leo thang bạo lực vừa qua.

Ở dải đất Gaza nghèo đói từng trải qua nhiều đau thương phải chứng kiến sự ra đi của những đứa trẻ vô tội và biết bao giọt nước mắt chia lìa người thân vì xung đột. Còn tại những thành phố Israel được bao bọc bởi những tầng nấc thiết bị an ninh, lá chắn “vòm sắt” dày đặc, không lúc nào được yên bình dưới những “cơn mưa” rocket của Hamas, cũng đã ghi nhận những thương vong. Cái giá phải trả để tái thiết sau những đổ nát vì sức hủy diệt của chiến tranh còn có thể đong đếm, nhưng cái giá của sinh mạng con người thì không. Trong mọi cuộc xung đột ở vùng đất máu lửa này, bên trả giá nhiều nhất luôn là dân thường Palestine vô tội, nhưng chính người dân Israel cũng là nạn nhân của những toan tính chính trị của chính quyền Tel Aviv.

Cả hai đều có lý do riêng để tung ra những đòn tấn công đẫm máu, nhưng dù có là gì thì cũng không thể lấy đó để biện minh cho hành vi bạo lực cướp đi mạng sống của người dân vô tội từ cả hai phía. Cuộc chơi chính trị và quân sự của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhằm tránh phải hầu tòa và giữ chiếc ghế thủ tướng, chỉ dừng lại sau những nỗ lực can thiệp của đồng minh lớn Washington. Người ta biết rằng, phía sau hành động đơn phương thông qua lệnh ngừng bắn của Israel là cả những nỗ lực ngoại giao và gây sức ép của chính quyền Tổng thống Joe Biden cùng các nước liên quan. Còn với Hamas, cho dù bạo lực đã giúp lực lượng này phô trương thanh thế trong nước, việc đương đầu với sức mạnh quân sự của Israel chẳng khác nào chuốc lấy thất bại trong cuộc chiến không cân sức nếu tiếp tục kéo dài.

Vì thế, lệnh ngừng bắn đạt được tạm thời hạ nhiệt ở vùng đất luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột, giúp ngăn chặn cơn say bạo lực và ngưng thảm cảnh đổ máu ở vùng đất mà hòa bình dường như vẫn chỉ là hy vọng.

Nguyên nhân gây ra xung đột thì có nhiều, tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ, sâu xa mang tính lịch sử, tôn giáo của cuộc xung đột Palestine-Israel dường như đã trở thành vấn đề không thể can thiệp và bất di bất dịch trong suốt quá trình xung đột. Với người Israel, vùng lãnh thổ mà người Palestine sinh sống chính là vùng đất mà Abraham (tổ phụ của 3 tôn giáo là Do Thái, Kito và Hồi giáo) và Thượng đế đã ban tặng cho người Do Thái. Quan niệm tôn giáo mà người Do Thái coi như “sự nghiệp chính nghĩa tất yếu” này càng thôi thúc Israel theo đuổi tham vọng thôn tính vùng đất của người Arab, với hành vi xây dựng các khu định cư Do Thái bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Còn với người Arab, mỗi tấc đất của Palestine đều là tài sản tôn giáo do Nhà tiên tri Muhammad để lại, có ý nghĩa thiêng liêng không thể nhượng bộ. Bởi vậy Jerusalem mới trở thành vấn đề hóc búa trong cuộc xung đột dai dẳng khi cả hai bên đều muốn chiếm lấy vùng thánh địa linh thiêng này. Giành lấy chủ quyền đối với Đông Jerusalem và Đông Jerusalem trở thành thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai luôn là khát vọng mà người Palestine coi là chính nghĩa và là mục tiêu mang tính biểu tượng của dân tộc mình.

Nhận diện những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột để thấy rằng không có con đường nào khác là phải tìm ra giải pháp chính trị công bằng cho cả hai phía. Cần phải khẳng định rằng cả hai dân tộc đều có quyền tự vệ và quyền được sống hòa bình trên vùng đất hợp pháp của mình. Tuy nhiên, các hành vi bạo lực phải bị lên án và chấm dứt vô điều kiện. Chấm dứt các hành vi chiếm đóng của Israel chính là điều kiện cho phép khôi phục giải pháp hai nhà nước tồn tại trên cơ sở đường biên giới năm 1967, nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung.

Bạo lực tái diễn giữa Palestine và Israel là hệ quả của phần lớn các chính sách bất bình đẳng của Israel đối với người Palestine trong những năm gần đây. Cho phép người định cư Do Thái chiếm đất ở các khu vực vốn là của người Palestine và việc không cho người Palestine được hưởng các quyền cơ bản đã dẫn tới tình trạng phân biệt chủng tộc, kéo theo những mâu thuẫn tích tụ dẫn tới bùng phát xung đột. Nhất là với chính sách thiên vị của chính quyền Washington, mà đỉnh điểm là dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nhà nước Do Thái càng được đà lấn tới với các bước đi thôn tính dần lãnh thổ của người Palestine.

Một khi thực trạng trên vẫn còn tiếp diễn ở các vùng lãnh thổ của người Palestine, nguy cơ bùng phát xung đột sẽ luôn tiềm ẩn. Dải Gaza đã tạm yên tiếng súng chính là thời cơ mà cả hai cần phải chớp lấy để tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc và thiện chí với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nhất là với Mỹ, cho dù không muốn tiếp tục hao tâm tổn sức cho vấn đề xung đột giữa Palestine và Israel, nước này cũng không thể không can dự một cách quyết liệt hơn. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang ngày càng phải đối mặt với sức ép gia tăng từ các nghị sĩ Dân chủ muốn Mỹ có một chính sách cân bằng hơn, chứ không chỉ là ủng hộ vô điều kiện quyền tự vệ của Israel. Hơn nữa, ngăn chặn sức mạnh của Iran cũng là trọng tâm trong chính sách Trung Đông hiện nay của Mỹ. Việc can thiệp vào cuộc xung đột Palestine-Israel cũng là cách để Mỹ kiềm chế Iran, vốn được cho là đứng đằng sau các lực lượng tấn công Israel ở Palestine nói riêng và khu vực nói chung. Việc can thiệp để đạt được lệnh ngừng bắn ở dải Gaza cho thấy, Washington hoàn toàn có thể đi các bước tiếp theo nhằm mang lại sự ổn định lâu dài cho khu vực, với điều kiện Mỹ phải sắm vai một nhà trung gian hòa giải đáng tin cậy cho cả hai phía.

Cơ hội một lần nữa lại xuất hiện sau một thời gian dài “chảo lửa” Trung Đông gần như rơi vào quên lãng trong một thế giới đầy biến động, nhưng để tới được ngã rẽ của hòa bình vẫn còn cả chặng đường dài đầy gian nan phía trước.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/de-hoa-binh-khong-chi-la-hy-vong-660360