Để hoạt động bán hàng đa cấp đi vào nền nếp
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quản lý chặt chẽ, từng bước đi vào nền nếp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở được nâng lên, không còn tình trạng bán hàng đa cấp ở các nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố.
Chuyển biến rõ nét
Theo Sở Công Thương, đến nay toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp, chủ yếu đăng ký hoạt động từ năm 2019. Trong đó, một số DN có doanh thu lớn năm 2023 như: Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam; Công ty TNHH Unicity marketing Việt; Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam; Công ty TNHH MTV Harbelife Việt Nam; Công ty TNHH Amway Việt Nam…
Căn cứ theo quy định, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đồng thời thực hiện lồng ghép vào các hội nghị, lớp tập huấn để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân, DN. Những DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng các quy định về bán hàng đa cấp.
Vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cho 150 đại biểu, đại diện cho các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và các DN có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Sở cũng thông báo những DN dừng hoạt động bán hàng đa cấp để các cá nhân liên quan chủ động giải quyết quyền lợi, chế độ.
Theo Sở Công Thương, đến nay toàn tỉnh có 15 DN bán hàng đa cấp, chủ yếu đăng ký hoạt động từ năm 2019. Trong đó, một số DN có doanh thu lớn năm 2023 như: Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam; Công ty TNHH Unicity marketing Việt; Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam; Công ty TNHH MTV Harbelife Việt Nam; Công ty TNHH Amway Việt Nam...
Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thời gian qua, không chỉ sở chuyên ngành mà UBND các huyện, thị xã, TP đã quan tâm chỉ đạo, triển khai công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động giới thiệu sản phẩm, bán hàng lưu động trên địa bàn. Do đó, đến nay không còn tình trạng các tổ chức hội, lãnh đạo các tổ dân phố, thôn, bản… ban hành các văn bản giới thiệu hoặc đồng ý cho các DN, thương nhân tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, bán sản phẩm tại các nhà văn hóa khu dân cư hoặc đứng ra vận động nhân dân, hội viên tham gia các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa lưu động của các DN”.
Nhờ được cảnh báo về các hành vi lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tiếp cận thông tin công khai về các tổ chức, cá nhân vi phạm, người dân đã nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, hạn chế rủi ro.
Bảo vệ DN kinh doanh chân chính
Hoạt động kinh doanh doanh đa cấp được quản lý theo đúng quy định sẽ góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, nếu để một số đối tượng lợi dụng lừa đảo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong nhân dân. Thực tế năm 2022, có tình trạng một số cá nhân mang danh nghĩa giới thiệu sản phẩm mới về các chợ hoặc nhà của một hộ để bán hàng. Thành phần được mời chủ yếu là người cao tuổi.
Các đối tượng này lừa người dân với chiêu thức “mua hàng hoàn lại tiền”. Ban đầu, người dân mua bất cứ sản phẩm nào cũng được trả lại tiền sau khi nhận hàng. Vì tin tưởng nên nhiều cá nhân mua với số tiền lớn hơn song họ lại không được hoàn tiền nữa, người bán lặn… mất tăm. Với chiêu trò này, một số đối tượng đã bán cho không ít người dân ở địa bàn các xã Xuân Hương, Tiên Lục, Đào Mỹ (Lạng Giang) các món hàng có giá bán cao hơn thực tế, trục lợi bất chính. Lúc người dân biết bị lừa, kiến nghị đến cơ quan chức năng thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”, việc xác minh gặp nhiều khó khăn.
Bà TTB, thôn Trong, xã Tiên Lục chia sẻ: “Đinh ninh cứ mua hàng là nhận lại được quà như quảng cáo nên tôi đã bỏ số tiền tích góp nhiều tháng từ việc bán rau để mua 3 sản phẩm trị giá gần 8 triệu đồng. Sau một hồi chờ đợi thì phát hiện những nhân viên bán hàng đã đi về hết, lúc ấy tôi mới biết mình bị “mồi” mua sản phẩm có giá cao hơn thực tế".
Theo cơ quan chức năng, hoạt động lừa đảo bán hàng sẽ ngày càng tinh vi hơn. Các DN đăng ký bán hàng đa cấp tại địa phương cơ bản không có trụ sở, văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (chỉ có người đại diện để liên hệ, trao đổi). Số người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp thường biến động lớn, số người tham gia phát sinh mới và chấm dứt hợp đồng thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, người bán hàng đa cấp gồm nhiều thành phần khác nhau; đặc thù bán hàng đa cấp là tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi.
Những yếu tố trên khiến công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước gặp trở ngại. Hàng hóa của các DN bán hàng đa cấp giới thiệu, bán cho người tiêu dùng chủ yếu là hàng do DN tự sản xuất hoặc phân phối độc quyền, không có sản phẩm cùng loại trên thị trường để tham chiếu, so sánh nên khó kiểm soát, quản lý về giá cả, chất lượng.
Trước thực tế trên, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương rà soát, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40 ngày 12/3/2018 và Nghị định số 18 ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cho phù hợp với Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và tình hình hiện nay.
Đi đôi với biện pháp trên, Sở Công Thương cần thường xuyên cảnh báo các hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để người dân biết và cảnh giác, phòng ngừa. Các địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và vận động người dân thận trọng, kiểm tra kỹ tính pháp lý và không tham gia vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được các cơ quan nhà nước cấp phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo vệ DN kinh doanh đa cấp hoạt động chân chính.
Các DN có đăng ký bán hàng đa cấp thực hiện nghiêm các quy định; tăng cường tự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bán hàng đa cấp của mạng lưới phân phối, người tham gia bán hàng đa cấp của đơn vị, DN.
Bài, ảnh: Trường Sơn