Để học sinh an toàn khi trở lại trường: Thận trọng nhưng đừng rụt rè!
Sáng ngày 20/10, gần 250 học sinh ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã đến trường học tập trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đây là những học sinh đầu tiên của TP.HCM được đến trường trong năm học mới 2021-2022.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều tỉnh, thành phố lên kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học như thế nào vẫn là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.
Địa phương nào sắp cho học sinh đi học trở lại?
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều tỉnh, thành phố lên kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới.
Tại Hưng Yên, các trường cũng đang dần chuyển trạng thái từ học trực tuyến sang trực tiếp. Ông Đoàn Vân Phong - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, địa phương giao Hiệu trưởng các trường THPT và UBND huyện quyết định thời điểm mở cửa trường học trở lại. Các cán bộ, giáo viên đi làm bắt buộc đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19.
Bên cạnh đó, các trường đang rà soát học sinh trong độ tuổi 12-17 để thời gian tới khi có vắc-xin thì tiêm phòng cho các em. Đặc biệt, “địa phương gần Hà Nội, Hà Nam, nơi có tình hình dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp nên cũng phải cân nhắc việc học sinh tựu trường”, ông Phong nói.
TP. Đà Nẵng thống nhất tổ chức cho học sinh phổ thông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đi học từ ngày 18/10 và học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đi học từ ngày 25/10. Đối với các cấp học khác trên địa bàn toàn thành phố về cơ bản đi học lại từ ngày 1/11.
Để chuẩn bị cho việc đi học trở lại của học sinh, nhiều trường học tại Đà Nẵng trước đây được huy động để làm khu cách ly y tế đã được bàn giao lại cho nhà trường. Các trường học đã vệ sinh bàn, ghế, lớp học… sẵn sàng cho việc dạy và học trực tiếp trở lại.
Cần Thơ lên kế hoạch cho học sinh tiểu học đi học trực tiếp trở lại từ 1/11. Mốc thời gian bắt đầu chương trình học kỳ 1 năm học 2021-2022 của cấp học này được xác định là 1/11, học kỳ 2 từ 7/3/2022, dự kiến hoàn thành kế hoạch giáo dục trước ngày 10/7/2022.
Ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Cần Thơ chia sẻ: “Với khung thời gian này, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND thành phố giao quyền chủ động cho UBND quận, huyện căn cứ đánh giá các tiêu chí an toàn, sẽ quyết định cho học sinh học trực tiếp tại trường hoặc học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên”.
Trước đó Sở GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều phương án đón học sinh trở lại trường. Theo lãnh đạo Hà Nội, nếu tình hình dịch kiểm soát tốt, khoảng đầu tháng 11/2021, 100% học sinh các cấp sẽ quay lại trường.
Trong các kịch bản đang được dự thảo đã đặt ra các phương án khác nhau về việc đưa dần học sinh trở lại trường sớm hơn mốc thời gian trên. Tuy nhiên, các trường học tại Hà Nội vẫn chưa có thời gian cụ thể về việc mở cửa trở lại.
Đa số học sinh và phụ huynh mong muốn trường học sớm mở lại hình thức dạy học trực tiếp sau một thời gian dài việc học chỉ được tiến hành qua hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ bùng dịch bởi học sinh vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần xem xét tình hình dịch bệnh, từng bước nới lỏng, đưa ra phương án đón học sinh trở lại trường sớm nhất. Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến - chuyên gia giáo dục chia sẻ trên VTC News, trước đây khi Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 16, việc đóng cửa trường học, ưu tiên phòng chống dịch là bắt buộc. Hà Nội đang từng bước “mở cửa” các hoạt động trở lại, do đó thành phố nên linh hoạt lên phương để học sinh các vùng xanh được đến trường thay vì đóng cửa toàn bộ trường học.
Chưa nói đến hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, ngồi lâu trước màn hình điện thoại, máy tính, ít vận động cũng gây ra nhiều mối nguy hại về thể lực, vấn đề tâm sinh lý, nhất là với trẻ ở độ tuổi tiểu học và mầm non. Vậy nên, việc xem xét đưa học sinh dần quay trở lại trường học lúc này là điều cấp thiết. Dù ủng hộ quan điểm dần đưa học sinh đến trường học trực tiếp, nhưng ông Khuyến cho rằng, việc đón học sinh tới trường cần thực hiện thận trọng, có lộ trình phù hợp thực tế.
TP. Hồ Chí Minh đề xuất cho học sinh 2 trường đầu tiên đi học lại từ 20/10. Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, UBND huyện Cần Giờ đề xuất cho học sinh 2 trường Tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An đi học. Theo đó, giai đoạn đầu, 243 học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 sẽ đi học lại từ ngày 20/10. Sau một thời gian, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và nếu thấy an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh các khối lớp còn lại đến trường.
Bên cạnh đó, dự kiến cuối tháng 10 này, TP.HCM sẽ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh trong độ tuổi từ 12-17. Cụ thể, trong buổi họp giao ban với hiệu trưởng các trường THPT, lãnh đạo Phòng Giáo dục các quận, huyện ngày 15/10, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết, sẽ tiêm cho học sinh 16-17 tuổi trước rồi hạ dần độ tuổi. Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất UBND thành phố tổ chức tiêm cho hơn 642.000 học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi, để các em có thể trở lại học tập trực tiếp tại trường vào học kỳ II.
Trong khi nhiều trường đã lên kế hoạch cho học sinh đi học trở lại thì tại Phú Thọ, sau khi phát hiện 2 học sinh mắc COVID-19 và 45 trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh nghi mắc, tỉnh này đã cho tất cả học sinh ở thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao tạm dừng đi học từ ngày 18/10 đến khi có thông báo mới. Các cơ sở giáo dục ở các huyện còn lại tiếp tục dạy học trực tiếp, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Cần chấp nhận rủi ro để học sinh được đi học
Theo ông Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), việc học sinh phải ở trong nhà quá lâu, học trực tuyến hằng ngày qua điện thoại, máy tính có nhiều tác động tâm lý tiêu cực đến các em, đặc biệt là nhóm học sinh tiểu học.
Ông cũng lo ngại khi học sinh thiếu những hoạt động trong môi trường tập thể, hoạt động thể chất trong nhà trường có thể ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển. Ông kiến nghị thành phố sớm có kế hoạch cụ thể để học sinh có thể quay lại trường học.
“Đi học trở lại có rủi ro, nhưng đây là những rủi ro chúng ta chấp nhận được. Mở lại trường học là một nhu cầu cấp thiết của học sinh và các bậc phụ huynh. Xác định sống chung an toàn với dịch thì ta cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho các em, nếu cứ lo ngại nguy cơ thì rất khó để các em học trở lại”, ông Phu nói với Zing.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hà Nội, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thành phố tiếp tục lộ trình mở cửa, dần phục hồi hoạt động của người dân. Song, ông thừa nhận việc học sinh chưa được tiêm vaccine có thể là rào cản lớn khiến lãnh đạo thành phố băn khoăn khi cho họ học tập trung.
Theo vị chuyên gia này, việc chưa có vắc-xin đặc hiệu ngừa COVID-19 cho trẻ em là thực tế toàn thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên, đặc điểm chung trẻ em khi mắc COVID-19 là ít biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong rất thấp. Nguy cơ đối với họ là không quá lớn, nhất là khi phụ huynh, nhà trường và học sinh phối hợp tốt, hiệu quả để đảm bảo an toàn khi đi học trở lại.
“Ngoại trừ một số trường hợp bị béo phì, suy dinh dưỡng, còn lại hầu hết học sinh nếu mắc cũng chỉ biểu hiện như cúm, gần như không nguy hiểm. Với tỷ lệ vắc-xin cho người trưởng thành đã đạt tương đối cao như Hà Nội, cộng với việc tuân thủ 5K, nguyên tắc giãn cách trong nhà trường thì việc học sinh đi học trở lại sẽ tương đối thuận lợi, an toàn”, ông Hùng nói.
Trước đó, trong dự thảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 7 tiêu chí để chuẩn bị cho học sinh học tập trung.
Trong đó, trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học. Tiêu chí 2 là xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Thứ 3, 100% học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường.
Sở cũng yêu cầu thường xuyên vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.
Theo dự thảo của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều, mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn và ngược lại.
Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ: Thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.