Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Biểu tượng trong sáng tác văn học

Câu nghị luận văn học đề thi học sinh giỏi liên trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ An yêu cầu học sinh bàn về biểu tượng văn học trong bài thơ 'Tổ quốc ở Trường Sa' (Nguyễn Việt Chiến) và 'Biển' (Lâm Thị Mỹ Dạ).

Đề học sinh giỏi Ngữ văn: "…Trong sáng tác văn học, bên cạnh việc vận dụng những biểu tượng sẵn có, các nhà văn, nhà thơ thường sáng tạo nên những biểu tượng mới mang đậm dấu ấn cá nhân." (sách giáo khoa Ngữ Văn 12, Tập 1, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2024, trang 40).

Bằng việc phân tích cảm hứng về biển trong bài thơ "Tổ quốc ở Trường Sa" (Nguyến Việt Chiến) và "Biển" (Lâm Thị Mỹ Dạ), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Gợi ý đáp án

Giải thích ngắn gọn về ý kiến:

Biểu tượng: là hình ảnh mang tính ngụ ý, vượt lên chức năng miêu tả, tạo hình đơn giản, chứa đựng nhiều tầng nghĩa phong phú, gợi cảm nhận suy tư về những điều mang tính phổ quát.

Biểu tượng sẵn có: thường xuất hiện nhiều lần trong văn chương, đã trở nên quen thuộc.

Biểu tượng mới: nhà văn, nhà thơ có thể sáng tạo nên biểu tượng mới bằng cách đưa vào tác phẩm của mình những hình ảnh độc đáo, khác lạ, ít khi được nhận diện trong hiện thực cuộc sống và chưa xuất hiện trong văn chương, hoặc nhờ vào khả năng làm mới, "lạ hóa" những hình ảnh đã quen, đã cũ, tạo nên dấu ấn cá nhân đậm nét, không trộn lẫn.

Nhận định trên đề cập đến một vấn đề đặc thù của quá trình sáng tác văn chương: người nghệ sĩ vừa kế thừa, vận dụng những điều đã có, vừa cách tân, sáng tạo nên những gì chưa có. Nhờ đó, hình ảnh biểu tượng trong các tác phẩm văn học không chỉ có khả năng khái quát bản chất của một hiện tượng mà còn thể hiện được những quan niệm, triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống, đem lại cho người đọc những giá trị nhận thức, tình cảm, thẩm mĩ phong phú, sâu sắc.

Phân tích, chứng minh: Cảm hứng về biển trong bài thơ "Tổ quốc ở Trường Sa" (Nguyễn Việt Chiến) và "Biển" (Lâm Thị Mỹ Dạ).

Giống nhau:

- Hai nhà thơ cùng chung nguồn cảm hứng mãnh liệt, dạt dào về biển nên có những cảm nhận tương đồng. Biển trong hai tác phẩm đều thẳm sâu,có sóng, bão táp, là nơi mặt trời mọc, đồng thời luôn có mối liên hệ mật thiết với con người.

- Các nhà thơ tạo dựng được hình ảnh không gian rộng lớn, bao la, kì vĩ. Với việc vận dụng biểu tượng sẵn có, hai tác giả đã khái quát được bản chất của biển, một hiện tượng thiên nhiên quen thuộc trong hiện thực cuộc sống và trong thơ ca xưa nay.

- Khác nhau: Cùng chung cảm hứng nhưng mỗi nhà thơ lại quan sát, khám phá biển qua những lăng kính nghệ thuật khác nhau, nhân sinh quan, mục đích sáng tác và phong cách nghệ thuật khác nhau nên có nhiều điểm khác biệt:

Bài "Tổ quốc ở Trường Sa" của Nguyễn Việt Chiến

Biển gắn với địa danh cụ thể: Trường Sa, đảo Gạc Ma. Đây là nơi diễn ra những trận chiến quyết tử trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Biển gắn với sự hi sinh của con người: đó là sự xả thân anh dũng, bất khuất của những người lính đảo lấy thân mình làm lá chắn, làm cột mốc giữ gìn biên cương; đó còn những người ngư dân can đảm, kiên cường ngày đêm bám biển. Máu của họ làm nên vị mặn của biển, làm nên sắc đỏ của lá cờ. Mỗi lần họ ngã xuống là một lần Tổ quốc được sinh ra, họ chính là những người anh hùng vô danh mà bất tử góp phần làm nên Đất Nước.

Biển gắn với cuộc sống bình yên: hình ảnh nắng ấm, âm thanh tiếng gà gáy, tiếng trẻ nhỏ đến trường… gợi lên một cuộc sống bình dị, thân thương, vui tươi, dường như không còn khoảng cách giữa biển và đất liền. Máu của những người nằm xuống đã nở thành hoa của tự do, hạnh phúc, gợi lên niềm tin yêu vào cuộc sống, niềm lạc quan vào tương lai.

Bằng thể thơ 8 chữ, ngôn ngữ tự nhiên, giọng điệu hào hùng, nhịp điệu thơ chắc khỏe, hình ảnh có tính biểu tượng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất anh hùng ca và chất trữ tình… nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khắc họa thành công hình tượng biển với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng, gợi sự xúc động, tự hào. Biển trong bài thơ là biểu tượng của Tổ quốc, của Nhân dân, kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc anh hùng.

Bài "Biển" của Lâm Thị Mỹ Dạ

Biển là không gian vũ trụ mênh mông vô tận: Tác giả đặt biển trong mối tương quan soi chiếu với trời để phá bỏ mọi giới hạn, các chiều kích không gian được mở ra tới vô cùng, tuy mênh mông nhưng không tạo nên cảm giác rợn ngợp mà ẩn chứa sự tương giao hòa hợp.

Biển gắn với khát khao kiếm tìm, chinh phục, gắn liền với những chiêm nghiệm, triết lý: Sự thẳm sâu, lặng im không nói của biển chứa đựng bao điều bí mật mà ngàn đời con người chưa thể lí giải. Dù hành trình tìm câu trả lời không dễ dàng nhưng nhà thơ không chấp nhận những điều dễ dãi. Con ốc vàng tìm kiếm được giữa lòng đại dương sẽ khác với con ốc vàng nhặt được trên bãi biển, cũng như sự khác nhau giữa cái mới và cũ, điều chưa có và sẵn có, ước mơ và hiện thực.

Biển gắn với nhịp sống gấp gáp: Cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ theo qui luật qua đêm thâu ngày mới sẽ rạng. Những ngư dân vùng biển khỏe khoắn, yêu đời lại ra khơi, vượt lên bão giông thử thách để khai thác nguồn tài nguyên dồi dào trong lòng biển, chung sức tạo nên những giá trị tốt đẹp cho đời.

Với thể thơ 5 chữ, ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh, giọng điệu nhẹ nhàng cùng các biện pháp tu từ nhân hóa, điệp… nữ thi sĩ đã vẽ nên bức tranh thơ mộng, trữ tình về biển. Ở bài thơ này, biển biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, đem lại nguồn sống cho con người, giúp con người tồn tại; biểu tượng cho những khao khát, kiếm tìm.

Đánh giá chung: Chung nguồn cảm hứng về biển, hai nhà thơ đã sáng tác nên những tác phẩm đặc sắc, thể hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ tinh tế và tình cảm, tư tưởng sâu sắc. Qua biểu tượng sinh động, hàm súc, vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ, các tác giả truyền đến cho người đọc tình yêu Tổ quốc, tình yêu thiên nhiên, niềm tin yêu con người và cuộc đời nồng nàn, tha thiết. Những giá trị nổi bật về nội dung và nghệ thuật của hai bài thơ góp phần vào sự phát triển của thơ ca trữ tình hiện đại, tạo nên sự đa sắc đa màu cho văn học.

Bàn luận, mở rộng:

Nếu chỉ có vận dụng biểu tượng cũ, văn học sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán, còn nếu luôn xuất hiện biểu tượng mới, văn học lại sẽ trở nên xa lạ, khó hiểu. Bởi vậy việc kết hợp vận dụng biểu tượng cũ và sáng tạo nên biểu tượng mới là con đường giúp nhà văn nhà thơ khẳng định tài năng, phong cách nghệ thuật đầy ấn tượng của riêng mình, đồng thời đảm bảo tính kế thừa và phát triển, đem lại sức sống lâu bền cho văn học.

Nhận định trên còn giúp chúng ta biết cách giải mã ý nghĩa biểu tượng trong quá trình tiếp nhận văn học, qua đó nhận diện ra vân chữ của các nghệ sĩ và có được sự đồng điệu, thấu cảm cao độ giữa người đọc - tác giả. Nhờ vậy các giá trị đẹp đẽ của văn học sẽ có sự lan tỏa sâu rộng hơn đến công chúng.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-hoc-sinh-gioi-ngu-van-bieu-tuong-trong-sang-tac-van-hoc-179241224172813445.htm