Để học sinh không phụ thuộc vào điện thoại

Gần đây, ngành giáo dục nhiều tỉnh, thành đồng loạt cấm học sinh, nhất là bậc THPT không mang điện thoại vào lớp học. Có trường cấm sử dụng điện thoại cả trong giờ ra chơi để các em có nhiều thời gian tương tác với thầy cô, bạn bè. Quy định này đã tạo nên những phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội.

Không phủ nhận điện thoại thông minh là công cụ hỗ trợ học tập thiết thực, giúp học sinh tiếp cận thông tin, kiến thức nhanh và sâu rộng, giúp các em trao đổi bài hay tham gia các nhóm hỗ trợ kỹ năng. Với một địa bàn rộng như Bình Phước, nhiều học sinh THPT phải ở trọ thì việc sử dụng điện thoại để phụ huynh kiểm soát con em càng cần thiết. Bên cạnh sự hữu ích, việc sử dụng điện thoại quá mức cũng dẫn tới nhiều hệ lụy không chỉ cho các em, bởi mạng xã hội vốn đã rất phức tạp với cả những người trưởng thành. Học sinh ít tương tác với nhau, lười vận động do chỉ chăm chăm vào điện thoại khiến thầy cô lo ngại. Không chỉ sức khỏe học đường với các bệnh về mắt, cột sống, khớp tay… ngày càng phổ biến trong học sinh mà việc sử dụng điện thoại thiếu văn minh, gây mâu thuẫn trên mạng xã hội, dẫn tới những hành vi bạo lực học đường cũng làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục.

Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT đã có quy định học sinh không sử dụng điện thoại di động khi đang học mà không được giáo viên cho phép, quy định tại khoản 4 Điều 37 Chương V của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT. Tháng 7-2023, tổ chức UNESCO cũng đã kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, bởi đã có nhiều minh chứng về mối liên hệ tiêu cực giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử và kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, như đã nói, việc cấm học sinh mang điện thoại di động vào lớp học đã gây những phản ứng trái chiều. Về phía học sinh, nhiều em đồng tình nhưng cũng nhiều em phản đối và cách lý giải nào cũng có những phần hợp lý và chưa hợp lý. Có em cho rằng, lượng kiến thức phải tiếp thu trên lớp rất nhiều nên phải sử dụng điện thoại ghi âm lại bài giảng của thầy cô để về nhà nghe lại. Thay vì cấm, nhà trường chỉ nên hạn chế, bởi cấm ở trường mà về nhà vẫn dùng thì không có tác dụng. Về phía phụ huynh, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên cũng quay clip đăng TikTok thì làm sao cấm được học sinh.

Lại có ý kiến rất thuyết phục là việc bố trí người đưa rước học sinh trong gia đình không cố định, nay người này, mai người khác nên phải có điện thoại để các em liên lạc... Giáo viên cũng nhiều người đồng tình và không ít người phân vân, bởi việc thu và trả điện thoại cho học sinh lại phát sinh thêm việc, chưa kể sẽ xảy ra tình trạng nhầm lẫn, mất điện thoại hoặc xảy ra cháy nổ khi để chung nhiều điện thoại một chỗ… Đã xảy ra trường hợp giáo viên phát hiện học sinh ngồi nhắn tin trong giờ học nên tạm giữ điện thoại, hết giờ trả lại. Vậy mà phụ huynh đã lên tận ban giám hiệu khiếu nại giáo viên “vi phạm quyền riêng tư” của con em mình!

Việc cấm học sinh mang điện thoại di động vào lớp đang mỗi trường làm một kiểu. Cho dù cấm suốt buổi học hay cho phép sử dụng trong giờ ra chơi, hoặc chỉ yêu cầu sự tự giác của học sinh… thì cũng đều hướng tới mục đích giúp các em tập trung nhiều hơn trong giờ học. Vì thế, không thể mỗi trường làm một kiểu. Bên cạnh quy định của Thông tư 32, cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ GD&ĐT để việc sử dụng điện thoại có thể hỗ trợ tốt nhất cho học sinh mà không biến các em thành “tù binh” của điện thoại và mạng xã hội!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163630/de-hoc-sinh-khong-phu-thuoc-vao-dien-thoai