Để học sinh lễ phép với giáo viên
Trước đây, học sinh phải nói là sợ thầy cô một phép. Gặp mặt, đối diện trực tiếp với thầy cô còn sợ, có mấy học sinh dám nhìn chính diện vào mặt thầy cô để trả lời? Khi được hỏi điều gì, cũng cúi đầu đáp lý nhí dạ, thưa.
Nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao đạo đức học trò bây giờ lại xuống dốc trầm trọng như vậy? Ai có lỗi nhất trong việc này?
Có người khẳng định, thầy cô có lỗi một phần. Phần nữa là xã hội và đặc biệt quan trọng là do cách sống, cách dạy dỗ con cái từ phía mỗi gia đình.
Có những tấm gương mờ
Nói thầy cô có lỗi một phần khiến đạo đức học sinh xuống cấp là hoàn toàn có lý. Nếu như thời chúng tôi, 30 năm về trước hình ảnh thầy cô luôn là “ông bụt, bà tiên”. Biết bao học sinh đều ngưỡng mộ, thần tượng.
Ngày ấy, giáo viên cũng luôn yêu thương học sinh hết lòng. Dạy dỗ tận tình, cần mẫn chăm lo, luôn yêu thương học sinh như người thân trong gia đình mà không hề toan tính. Nhiều thầy cô sống mẫu mực, phong cách đúng chuẩn của nhà giáo phải có.
Nhiều năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện những tấm gương mờ trong ngành giáo dục. Nào là thầy quan hệ trên mức tình cảm với trò. Rồi một số thầy cô lôi kéo học sinh về lớp học thêm. Người này nói xấu nhằm hạ uy tín người kia trước học trò.
Quan hệ thầy trò đôi khi sòng phẳng đến mức lạnh lùng. Vào lớp học thêm phải nộp tiền ngày. Hôm nào không có xin khất, hôm sau vẫn chưa nộp có khi phải dời lớp học thêm. Không ít học sinh bức bối, trước mặt tỏ ra lễ phép còn sau lưng chúng chửi thầm. Nhiều người cho rằng, quan hệ của thầy trò trở thành mối quan hệ “mua-bán” sòng phẳng nên không thể đòi hỏi sự tôn sư trọng đạo như trước đây.
Bất kể một sự việc gì liên quan đến giáo viên và học sinh thì không cần nghe rõ ngọn nguồn 2 bên, cư dân mạng đã ào ạt dùng nhiều ngôn từ đao to búa lớn để lên án giáo viên. Hình ảnh thầy cô giáo bỗng chốc trở nên xấu xí trước mắt bao người trong đó có cả học sinh.
Về phía nhà trường và ngành giáo dục luôn chạy theo dư luận để xử lý sự việc. Dù cho giáo viên của mình đúng nhưng đã nhận được phản ánh là sẵn sàng xử lý kỷ luật giáo viên. Dẫn đến chuyện phụ huynh, học sinh luôn có tư tưởng “chỉ một lá đơn là cô (thầy) sẽ mất nghề”.
Kỷ luật chưa nghiêm
Nếu như ngày trước, một học sinh vô lễ với giáo viên sẽ bị phạt roi, phạt quỳ trước lớp thì ngày nay, giáo viên chỉ cần lớn tiếng cũng là vi phạm đạo đức nhà giáo.
Thầy cô đã bị tước hết quyền răn dạy học sinh. Trò phạm lỗi cũng chỉ được nhẹ nhàng và cười tươi. Có những em hỗn hào với giáo viên, còn hung hăng hăm dọa nhưng cũng chỉ bị nhắc nhở là cùng. Hiện nay, các hình thức phạt học sinh đã được điều chỉnh nhiều.
Phạm lỗi không bị phạt nên lần này chửi được thầy cô thì lần khác cũng tiếp tục bị chửi nên tâm lý sợ thầy cô giáo và mất dần sự tôn trọng cũng đã không còn tồn tại.
Giải pháp nào để “bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo”
Đầu tiên, mỗi thầy cô giáo phải tự soi lại mình xem đã sống và đối xử với học sinh bằng tình yêu thương như câu hát “Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”? Hay chưa?
Thầy cô sống chuẩn mực, biết yêu thương học sinh thì lòng tôn trọng của các em với những thầy cô giáo ấy chắc chắn sẽ được cải thiện.
Dư luận cũng đừng nên quá hà khắc với giáo viên khi một vụ nào đó xảy ra. Điều này, sẽ làm hình ảnh người thầy mỗi ngày một xấu đi trong mắt bao người.
Cần mạnh tay với những học sinh cố tình xúc phạm danh dự, có thái độ hành hung, bạo lực với các thầy cô. Cần cương quyết xử lý một số vụ nổi cộm sẽ làm gương cho tất cả mọi người.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/de-hoc-sinh-le-phep-voi-giao-vien-115421.html