Để hội nhập thế giới, cần hội nhập thông tin

Một thực tế bấy lâu nay là sự sản sinh ra thông tin và tình hình phát triển khoa học phân phối không đều trên thế giới.

Các nước đang phát triển chỉ sản sinh ra rất ít lượng thông tin khoa học của thế giới. Trong khi đó phần lớn thông tin tập trung ở các nước công nghiệp phát triển. Ở đây họ dành một phần quan trọng trong thu nhập quốc dân cho hoạt động nghiên cứu, giáo dục và thông tin.

Nguồn lực tài chính là chìa khóa để phát triển thông tin

Các nước này có một hệ thống cơ sở thông tin hùng mạnh với trang thiết bị hiện đại, đó là: các thư viện khổng lồ, các trung tâm thông tin tư liệu, các trung tâm phân tích tổng hợp tin. Họ có các chuyên gia và cán bộ thông tin được đào tạo; các kênh chuyển giao thông tin với nguồn tin phong phú và số lượng người dùng tin động đảo; có chính sách thông tin quốc gia nhất quán. Ở các nước này người ta đang tổ chức lại hệ thống thông tin theo hướng hợp lý hóa và hợp tác hóa trên phạm vi quốc gia và quốc tế.

Trong khi đó ở các nước đang phát triển tình hình hoàn toàn khác. Các phương tiện giành cho việc sản sinh ra thông tin và mạng lưới thông tin còn rất thiếu thốn. Hầu hết các nước này chỉ có cơ sở hạ tầng yếu kém dựa trên các thư viện truyền thống, thiếu cán bộ, thiếu trang thiết bị hiện đại, gây nên sự chậm trễ trong việc chuyển giao và tiếp cận thông tin.

Vấn đề đặt ra đối với những nước này là phải nhanh chóng thu hẹp những lỗ hổng về thông tin gây nên do sự lạc hậu về khoa học và trang thiết bị kỹ thuật bằng cách tranh thủ tiếp nhận thông tin sẵn có ở các nước công nghiệp phát triển, hơn là nâng cao năng lực sản xuất thông tin ở địa phương, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Điều đó đặt ra hai điều kiện là:

- Các nước đang phát triển phải nhanh chóng đẩy mạnh đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở hạ tầng của hệ thống thông tin quốc gia.

- Có sự tham gia tích cực hơn nữa của các nước công nghiệp phát triển vào hệ thống chuyển giao thông tin cho các nước đang phát triển.

Ngay khi thời đại thông tin bùng nổ, đĐã có những cố gắng đáng kể theo hướng này. Đáng chú ý là chương trình thông tin khoa học kỹ thuật quốc tế UNISIST của UNESCO cùng một loạt các tổ chức liên quốc gia và quốc gia đã hoạt động nhằm tăng cường sự hợp tác thế giới trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt dành ưu tiên cho các nước đang phát triển.

Hoạt động của UNISIST nhằm vào việc cải thiện quá trình chuyển giao thông tin theo ba hướng:

- Nâng cao khả năng sẵn có và khả năng tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật của các nước.

- Tăng cường liên kết giữa các hệ thống thông tin bằng cách tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ thông tin hiện đại.

- Tăng tính chọn lọc và mềm dẻo linh hoạt trong việc xử lý và phổ biến thông tin nhờ một cơ chế mới dựa vào sự đóng góp, tham gia tích cực của các cơ quan khoa học.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại cho việc chuyển giao và tiếp cận thông tin ở các nước đang phát triển. Những trở ngại đó là:

- Thiếu sự quan tâm và đầu tư thích đáng, do không hiểu hoặc không đánh giá đúng vai trò của thông tin đối với sự phát triển của xã hội.

- Việc tiếp nhận thông tin khoa học kỹ thuật từ bên ngoài bị khống chế bởi nhiều yếu tố: hệ thống kiểm soát, hệ thống thuế quan, cước phí truyền thông từ xa quá tốn kém.

- Hàng rào ngôn ngữ: nếu khoa học là phổ dụng thì việc chuyển giao thông tin khoa học lại không phổ dụng mà nó chỉ dựa trên một số ngôn ngữ thể hiện một cách bất bình đẳng trên thế giới.

- Sự không hiểu biết: một trở ngại lớn cho sự phát triển, chuyển giao và tiếp cận thông tin là sự không hiểu biết đối với những lợi ích mà dịch vụ thông tin đem lại và không đủ khả năng sử dụng chúng.

Sự biến chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế thông tin là hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế thế giới hiện nay, nhưng chủ yếu xuất phát từ các nước công nghiệp phát triển nhất. Các nước đang phát triển chịu tác động to lớn và nhanh chóng có tính chất toàn cầu của sự biến chuyển đó trong khi nền kinh tế còn chủ yếu là nông nghiệp thủ công, công nghiệp còn nhỏ bé và yếu kém.

Hướng tới kinh tế thông tin là tất yếu

Để tiến kịp thế giới, các nước đang phát triển phải đồng thời tiến hành hai cuộc chuyển biến: từ kinh tế nông nghiệp thủ công sang kinh tế công nghiệp, từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế thông tin. Theo cách nói của ta là công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Thách thức là vô cùng to lớn và khắc nghiệt.

Để thực hiện sự chuyển biến kép đó phải chọn được con đường thích hợp để phát triển nhanh chóng các yếu tố của kinh tế thông tin (hiện đại hóa), tạo nên những sức mạnh đầu tàu kéo theo sự phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Kinh tế thông tin là kinh tế của trí tuệ. Kinh nghiệm của một số nước chỉ rõ rằng nhân tố chủ yếu cho sự thành công là năng lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người. Vì vậy tăng cường và hiện đại hóa hệ thống giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ, cùng với việc tạo môi trường thuận lợi khuyến khích sự phát triển không hạn chế mọi năng lực nội sinh trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động kinh tế... là những biện pháp cấp thiết cần được ưu tiên thực hiện.

Trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới đang có xu hướng toàn cầu hóa thì sự giao lưu thông tin mang tính quốc tế cao độ. Bằng cuộc đấu tranh cho một trật tự thông tin mới, cho sự bình đẳng thông tin và bằng nỗ lực nội sinh, các nước đang phát triển có thể vươn lên nâng cao chất lượng của thông tin và nền kinh tế quốc dân của mình.

theo Giáo trình thông tin học

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/de-hoi-nhap-the-gioi-can-hoi-nhap-thong-tin-222417.html