Để huyện Gio Linh mạnh từ biển, giàu từ biển
Để xây dựng huyện Gio Linh phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về 'Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045', Chương trình hành động số 144- CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị, những năm qua, huyện Gio Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để huyện Gio Linh thực sự mạnh từ biển, giàu lên từ biển, vẫn còn rất nhiều việc phải nỗ lực phấn đấu, quan tâm giải quyết.
Nhiều khó khăn, thách thức
Có thể thấy thời gian gần đây, giá nhiên liệu tăng quá cao nhưng sản phẩm đánh bắt được rất thấp; thêm vào đó, đợt COVID-19 lần thứ 4 bùng phát làm cho hải sản khai thác được tiêu thụ khó khăn, giá giảm mạnh là những nguyên nhân khiến nhiều ngư dân có kinh nghiệm, tay nghề và tàu thuyền hiện đại ở các địa phương ven biển huyện Gio Linh phải tạm ngừng ra khơi. Tuy nhiên, đó chỉ là những khó khăn mang tính thời điểm tác động bất lợi đến kinh tế biển của huyện. Nếu có sự điều chỉnh về giá nhiên liệu theo chiều hướng giảm, dịch bệnh được khống chế, thị trường thông thương, thì những bất cập trên sẽ cơ bản được giải quyết.
Mặc dù theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, trung bình hằng năm tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản của huyện Gio Linh chiếm hơn 60% toàn tỉnh, nhưng thách thức lớn nhất, có thể gọi là “rào cản” trong sự phát triển kinh tế biển của huyện Gio Linh vẫn là sản lượng khai thác thủy sản chưa tương xứng với số lượng tàu và công suất tàu thuyền hiện có. Ngư trường đánh bắt bị thu hẹp dần, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, công tác quản lý môi trường chưa đồng bộ, chặt chẽ, việc khai thác bừa bãi, nhất là sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác đã hủy diệt môi trường sống và làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản vẫn còn diễn ra. Việc đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động đánh bắt thủy sản ngày càng gặp khó khăn; trình độ đánh bắt của ngư dân gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào chế biến hải sản còn nhiều hạn chế. Việc chấp hành các quy định của quốc tế về đánh bắt thủy sản của một số ngư dân có lúc chưa tốt.
Bên cạnh đó, quy mô chế biến hải sản trên địa bàn huyện Gio Linh vẫn còn nhỏ lẻ, chất lượng chế biến chưa cao, chưa hình thành được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân nhằm gia tăng giá trị sản xuất và cạnh tranh trên thị trường. Vấn đề đặt ra cấp thiết là trên địa bàn huyện cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến thủy sản tập trung để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường và có điều kiện đầu tư trang thiết bị chế biến đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng suất chế biến. Giảm dần, tiến tới xóa bỏ tình trạng chế biến thủy sản trong khu dân cư là chủ yếu như hiện nay. Ngoài ra, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển kinh tế biển còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nợ đọng trong các dự án đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền vẫn còn, làm giảm khả năng vươn khơi, bám biển dài ngày của ngư dân.
Những thế mạnh cần được phát huy
Cần khẳng định huyện Gio Linh là địa bàn có tiềm năng, lợi thế về biển mà ít địa phương nào trong tỉnh có được. Huyện có bờ biển dài 16 km với 2 cửa lạch Cửa Việt và Cửa Tùng, có khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt được tỉnh đầu tư xây dựng quy mô 141 ha; khu vực biển gồm 4 xã: Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang và thị trấn Cửa Việt nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; nhiều chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của Trung ương và doanh nghiệp được đầu tư vào địa bàn để hình thành khu dịch vụ - du lịch - cảng biển; hệ thống giao thông toàn vùng được đầu tư xây dựng, là điều kiện thuận lợi để phát triển đa ngành nhằm đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Hiện toàn huyện có gần 940 tàu thuyền cơ giới với tổng công suất 80.474CV hoạt động khai thác và dịch vụ thủy sản; trong đó có 154 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, có công suất mỗi chiếc từ 400CV trở lên, 18 tàu có chiều dài từ 24m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Tổng sản lượng thủy, hải sản khai thác và nuôi trồng năm 2020 đạt hơn 17.370 tấn, đạt hơn 113% kế hoạch, bằng 113,96% so với cùng kỳ. Trên địa bàn huyện có 292 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, giải quyết việc làm cho hơn 275 lao động. Sản lượng chế biến hải sản bình quân hằng năm từ 18.000 - 20.000 tấn.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 942 cơ sở thương mại - dịch vụ, trong đó có 87 cơ sở dịch vụ bãi tắm; có khoảng 24 khách sạn, nhà nghỉ, bình quân hằng năm (thời điểm chưa xảy ra COVID-19) đã thu hút hơn 50.000 lượt du khách về tắm biển, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, ngư dân và lực lượng dân quân biển của Gio Linh đã làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với các lực lượng chức năng để bảo vệ môi trường, xử lý các tình huống trên biển, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững
Để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả, bền vững, huyện Gio Linh tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các quy định về phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy. Có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nợ đọng, đưa ra các cơ chế hỗ trợ, đầu tư tạo điều kiện cho ngư dân kiện toàn tổ chức sản xuất, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền; đồng thời mở rộng phát triển các nghề mới cho năng suất, hiệu quả cao, không đầu tư dàn trải.
Phát huy hiệu quả các cảng cá, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tăng cường ứng dụng các công nghệ bảo quản, chế biến, các phương tiện trang thiết bị hiện đại như máy thông tin liên lạc HF tầm xa, máy định vị, tầm ngư, thiết bị chụp, đèn LED để nâng cao năng lực, hiệu quả đánh bắt, nhất là đánh bắt ở những vùng xa bờ. Xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các mặt hàng hải sản chế biến gắn với tìm tạo thị trường tiêu thụ. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các xã, thị trấn ven biển theo hướng kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa phát triển vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển, hải đảo.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là Luật Thủy sản 2017 và các quy định chống khai thác IUU, các cam kết, thỏa thuận của Việt Nam với quốc tế và khu vực về đánh bắt, khai thác hải sản. Nhân rộng mô hình tổ, đội liên kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt. Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.