Để kết nối thị trường quốc tế
Nhờ tác động tích cực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như độ mở của các nền kinh tế, thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Hàng hóa được quảng bá không giới hạn, tiết kiệm thời gian, chi phí.... Đây là những ưu điểm giúp thương mại trực tuyến xuyên biên giới dần thắng thế so với hình thức mua bán hàng hóa, xuất, nhập khẩu truyền thống, mang đến lợi ích cho tất cả các bên. Về phía khách mua hàng, họ có nhiều sự lựa chọn với một quỹ thời gian tối thiểu. Với doanh nghiệp, đây là kênh quảng bá, mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu chi phí lưu kho… Cũng qua hoạt động thương mại này, doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm khi cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác, từ đó dần nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Nhìn rộng hơn, việc này còn góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa quốc gia trên thị trường quốc tế.
Trong xu thế chung đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có sự chuyển động khá tích cực. Hiện, nước ta đã có một số doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 11% doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, 35% doanh nghiệp thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh phân phối trực tuyến. Đây là con số khiêm tốn, bởi nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới.
Vì lẽ đó, để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, ngày 27-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Từ đề án này, các bộ: Công Thương, Tài chính; Ngân hàng Nhà nước… xây dựng các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử; chính sách quản lý giao dịch và cơ chế thanh toán, bảo lãnh điện tử gắn với hoạt động thương mại trực tuyến...
Các bộ, ngành liên quan cũng sẽ đề xuất cơ chế để tạo điều kiện hình thành những sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, định hướng xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, xu thế phát triển của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp - trong giai đoạn đầu còn “non trẻ” - về thuế, phí xuất khẩu…, nâng sức cạnh tranh.
Về phía các doanh nghiệp Việt, sự hỗ trợ của nhà nước là rất cần thiết, song yếu tố cốt lõi là sản xuất được các sản phẩm chất lượng tốt, xây dựng được thương hiệu đủ mạnh. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, có chiến lược nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng và sản phẩm của đối thủ để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời tích cực chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Với những doanh nghiệp chưa đủ sức tự tạo cho mình một sàn thương mại điện tử, hoàn toàn có thể “bắt tay” với đại lý của các sàn thương mại điện tử uy tín trên thế giới hoạt động tại Việt Nam như Amazon, Alibaba…
Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như xu hướng tiêu dùng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Chưa kể, về lâu dài, mua bán trực tuyến là xu hướng tất yếu. Tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ, tạo đòn bẩy của các cơ quan quản lý, cùng nỗ lực, khát vọng tự thân, các doanh nghiệp Việt sẽ kết nối hiệu quả với thị trường quốc tế, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.