Đề kháng trước những 'viên đạn bọc đường'
Bị cáo Trương Minh Tuấn: Ký Quyết định 236 là sai phạm đáng tiếc
(HNM) - Những ngày qua, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo liên quan đến vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Trong đó, hai bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, những người từng có cống hiến trong quân đội và đóng góp nhất định cho đất nước lại gục ngã trước cám dỗ của đồng tiền là tâm điểm của sự chú ý. Vụ việc được làm rõ và đưa ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc ngăn chặn cho được sự nguy hại từ “viên đạn bọc đường”, từ đó góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào đời sống.
1. Nói chuyện với các lực lượng trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954, nhiều người thắc mắc không biết từ Việt Bắc về xuôi thì lương bổng thế nào, công tác sau này ra sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung một điều không ai nêu ra: "Khi về xuôi thì đạo đức và nhân cách của mình phải thế nào"? Rồi Người căn dặn: "Bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “viên đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy"…
Lời Bác dạy năm xưa đến bây giờ vẫn đúng khi thực tế cho thấy, chỉ riêng 3 năm trở lại đây, “viên đạn bọc đường” đã làm nhiều cán bộ cấp cao “rơi rụng” do không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ, ma lực của đồng tiền.
Trở lại vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) cho thấy, có điểm chung giữa Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là hai bị cáo từng có nhiều năm phục vụ trong quân ngũ trước khi chuyển ngành. Hai ông được nhận nhiều phần thưởng cao quý, nhưng cuối cùng không vượt qua sự ích kỷ cá nhân, cám dỗ của vật chất nên đã vi phạm pháp luật trong quản lý, đầu tư, sử dụng tài sản nhà nước và nhận hối lộ số tiền rất lớn. Vì thế, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị đề nghị lần lượt với tổng hợp mức án là tử hình và từ 14 đến 16 năm tù.
Trong lời tự bào chữa tại tòa, ông Nguyễn Bắc Son có lúc không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cuối cùng cho rằng việc truy tố là đúng người, đúng tội. Riêng Trương Minh Tuấn coi hành vi nhận hối lộ là nỗi nhục lớn, đồng thời cho rằng “tòa án lương tâm” sẽ đeo đuổi bị cáo suốt đời…
Công trạng của hai bị cáo sẽ được xem xét khi Hội đồng xét xử quyết định hình phạt. Thế nhưng, vụ việc thêm một hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức đang nắm giữ những trọng trách trong bộ máy công quyền.
Trước Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, nhiều cựu tướng lĩnh, lãnh đạo cũng đã bị “viên đạn bọc đường” xuyên thủng, bị xử lý hình sự hoặc kỷ luật Đảng như: Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Văn Tình, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Tín… Hay như trường hợp các ông Đinh La Thăng, Vũ Văn Ninh cũng vậy. Trước đây, họ là những cá nhân nổi trội, được đề bạt, cất nhắc nhưng khi có quyền lực lại làm việc vô nguyên tắc, vô kỷ luật dẫn tới hệ quả là “thân bại danh liệt”.
Suy cho cùng, chủ nghĩa cá nhân đã lấn lướt trong những con người này và sự sa ngã của họ không chỉ là nỗi đau xót cho chính bản thân họ, gia đình họ, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Điều này đúng với nhận định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ ra như: Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu…
2. Ngày 12-10-2019, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 18 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng...
Những con số trên cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã bước sang giai đoạn quyết liệt, trở thành xu thế không thể đảo ngược, thể hiện quyết tâm chính trị và sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ và đất nước.
Khi xử lý các cán bộ sa ngã, đáng lưu ý là không ít người đến khi bị kỷ luật, xử lý hình sự mới nhận ra sai lầm và muộn màng nói lời cay đắng "giá mà", "nếu như”. Do vậy, việc tạo sức đề kháng, ngăn chặn, vô hiệu hóa những "viên đạn bọc đường" trong công tác cán bộ phải bắt đầu từ công việc tự soi, tự sửa, tự răn mình, giống như chúng ta đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Trong đó, phải phòng ngừa, ngăn chặn ngay những cám dỗ tiền tài, danh vọng, vật chất, sắc đẹp quanh mình.
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ quản lý cần thấm nhuần tinh thần từ Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị khóa XII quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Song điều quan trọng hơn với mỗi cán bộ, đảng viên là không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng khi nắm trong tay quyền lực để tránh tha hóa, bị “viên đạn bọc đường” làm cho sa ngã.
Trong đời sống, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", nhân dân luôn nhìn vào cán bộ, đảng viên để nghe theo, làm theo. Vì thế, mỗi đảng viên muốn nêu gương thì nói phải đi đôi với làm trên cả ba mặt: Với người, với mình, với việc. Theo đó, đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng, không “dối trên, lừa dưới”.
Đối với mình, không được tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà phải luôn học tập cầu tiến, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa điều dở của bản thân. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên đầu. Đặc biệt, người có địa vị càng cao thì càng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức cách mạng, nhất quán giữa nói và làm...
Cùng với tăng cường, siết chặt cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhà nước, thì mỗi cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát quy định, quy chế nội bộ để mỗi cán bộ, đảng viên khi nắm quyền lực trong tay không có cơ hội và không dám lạm quyền, lộng quyền hoặc bị ngã gục trước "viên đạn bọc đường".
Bên cạnh đó, việc đầu tư chiến lược và lâu dài cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chế độ đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần động viên, quan tâm và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ tận tâm, tận lực cống hiến nhiều hơn trong công việc được giao và giữ vững sự liêm chính, không bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất.
Việc tự soi, tự sửa, tự răn mình với mỗi cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Dù ở vị trí công tác nào, mỗi cán bộ, đảng viên luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; tích cực giúp đỡ đồng chí của mình vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng kiên quyết đấu tranh không để lọt vào cấp ủy những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham vọng quyền lực, đó chính là cách thiết thực nhất để bảo vệ Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.
Mỗi cán bộ, đảng viên đều có sức đề kháng cao trước mọi loại "viên đạn bọc đường" thì càng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.