Đề khảo sát Ngữ văn: Những điều bé nhỏ cũng có thể đem lại niềm vui trong cuộc sống

Câu nghị luận xã hội đề khảo sát môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Triệu Sơn 4, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thí sinh bàn về ý nghĩa của những điều bé nhỏ cũng có thể đem lại niềm vui trong cuộc sống.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích: nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả, những chuyến đi thiện nguyện đem lại cơ hội cho tuổi trẻ: gặp gỡ những người trẻ sống có hoài bão, giúp bạn nghe được những câu chuyện về những người dân, những đứa trẻ ở mỗi vùng đất bạn đi qua. Khiến bạn trưởng thành hơn. Giúp bạn biết sống tự lập, có trách nhiệm với bản thân mình, biết thấu hiểu và yêu thương, không còn những toan tính vị kỷ.

Câu 3. Biện pháp tu từ: so sánh: "tuổi trẻ" so sánh với "một thước phim". Tác dụng: Làm nổi bật vẻ đẹp, sự lôi cuốn và hấp dẫn của tuổi trẻ. Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về ý nghĩa những chuyến đi thiện nguyện của tuổi trẻ.

Câu 4. Đồng tình với quan niệm. Lí giải: Trong từng chuyến đi như vậy, là ta đang đi trao con tim, trao tình thương của mình cho mọi người. Ta nhận lại được lòng biết ơn, nụ cười chân thành của họ. Học được cách cho đi mà không cần nhận lại gì; học được cách đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, để thấy được ta may mắn hơn họ rất nhiều và cần phải trân trọng những gì mình đang có.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Những điều bé nhỏ cũng có thể đem lại niềm vui trong cuộc sống là những điều nhỏ nhặt tưởng chừng như rất đơn giản, rất đời thường, không ai để ý đến, nhưng khi bạn nhận được, hay hoàn thành điều đó thì cảm thấy vui vẻ, phấn khởi hơn.

Nhận ra rằng niềm vui không cần phải đến từ những gì lớn lao, quá khả năng mà có thể đến từ những điều nhỏ nhặt, giản dị trong cuộc sống. Nhắc chúng ta phải luôn biết quan tâm, sớm nhận ra và trân trọng mọi thứ xung quanh mình. Luôn cố gắng phấn đấu, nỗ lực không ngừng để tìm kiếm niềm vui và lan tỏa cho mọi người

Câu 2. Cảm nhận về hình tượng người lái đò trong đoạn trích, từ đó nhận xét về chữ "ngông" trong phong cách của Nguyễn Tuân.

* Khái quát tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm " Người lái đò sông Đà" và vấn đề nghị luận

* Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp trí dũng, tài hoa của người lái đò trong nghệ thuật vượt thác sông Đà

- Thông minh, trí tuệ, đầy kinh nghiệm trước đối thủ sông Đà:

+ Hiểu rõ từng đặc điểm của sông Đà "Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này." ; "Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh cửa, sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn".

+ Nắm chắc và vận dụng chiến thuật linh hoạt: "Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá."

- Trí dũng, kiên cường khi chiến đấu trực diện với "thủy quái" sông Đà: "Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ"; "Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó".

- Tài hoa, điêu luyện khi điều khiển con thuyền vượt qua thác, đá sông Đà để giành chiến thắng ngoạn mục: "Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy";

"Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được…"

- Nghệ thuật miêu tả tài hoa uyên bác, kết hợp nhiều kiến thức liên ngành, ngôn ngữ sắc cạnh, hình ảnh sống động giàu tính tạo hình, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, so sánh bất ngờ, nhịp điệu câu văn ngắn, chắc khỏe.

* Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp giản dị, đời thường trong cảnh sinh hoạt sau khi vượt thác của người lái đò: đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi.

- Nghệ thuật kết hợp chất tự sự và chất trữ tình sâu lắng, những câu văn dài mềm mại góp phần làm nổi bật chân dung, tâm thế ung dung, thư thái, bình dị của người lái đò.

* Vẻ đẹp và ý nghĩa tư tưởng của người lái đò sông Đà

- Đoạn trích đã tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng người lái đò sông Đà. Ông là người lao động nhưng lại mang cốt cách của một tâm hồn nghệ sĩ. Trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh ông là một con người phi thường, tài hoa. Trong sinh hoạt, ông là người có phong thái ung dung, nhàn nhã, khiêm tốn. Ông chính là hình tượng lý tưởng về con người lao động là biểu tượng cho trí dũng song toàn trong hành trình đi tìm cái đẹp của nhà văn.

- Qua hình tượng người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân vừa thể hiện thái độ trân quý, yêu mến thiết tha đối với vẻ đẹp của người lao động vừa thể hiện quan điểm nghệ thuật độc đáo, tiến bộ: hành trình văn chương là hành trình tìm kiếm cái đẹp, đặc biệt là tìm tìm kiếm "chất vàng mười đã qua thử lửa" của người lao động.

* Nhận xét về chữ "ngông" trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

- Ngông là khái niệm dành cho lối viết độc đáo, tài hoa, uyên bác, hơn người của nhà văn Nguyễn Tuân.

- Ngông trong quan niệm và lựa chọn đối tượng thẩm mỹ: với ông cái đẹp phải là cái đập mạnh vào giác quan của người thưởng thức. Vì vậy ông đã tạo cảm giác mạnh trong việc lựa chọn và làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng sông Đà cũng như hình tượng người lái đò.

- Ngông trong việc sử dụng kiến thức uyên bác để miêu tả trong trang văn: Kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực quân sự, võ thuật, thể thao…

- Ngông trong lối miêu tả, liên tưởng, tưởng tượng tài hoa độc đáo. Ngông trong cách sử dụng ngôn ngữ tài tình: Ngắt nhịp câu văn linh hoạt, sử dụng các biện pháp tu từ hiệu quả.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-khao-sat-ngu-van-nhung-dieu-be-nho-cung-co-the-dem-lai-niem-vui-trong-cuoc-song-179240608113258451.htm