Để khi về già không lo chuyện tài chính
Khẳng định bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước chăm lo cho người dân, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Chúng ta phải giải thích cho người lao động để người lao động biết cái lợi của việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, để đến khi về hưu, người về hưu mới có chính sách bảo đảm cuộc sống khi về già.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị, cần giải thích cho người lao động cái lợi của việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, không nên vội vàng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Chính phủ nên tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Đại biểu Bùi Sĩ Lợi dẫn chứng, từ năm 2014 đến năm 2018, mỗi năm bình quân số người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội của chúng ta là 1 triệu người, nhưng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong 5 năm là 2,7 triệu người thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân mà Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị nên tổng kết lại chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần, để hạn chế việc người lao động hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần, bởi theo thống kê, trong số 2,7 triệu người đăng ký hưởng, có tới 93% mới đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm đã rút ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, trong số 93% đó thì 50% mới đóng được dưới 1 năm đến dưới 3 năm.
Vì vậy, đại biểu Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh: Chúng ta phải giải thích cho người lao động để người lao động biết cái lợi của việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, thì đến khi về hưu, người về hưu mới có chính sách bảo đảm cuộc sống khi về già.
Thảo luận thêm về chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục nâng mức hỗ trợ 30-25-10% để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, phấn đấu làm sao đạt nhanh tốc độ tăng bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra.
Bên cạnh vấn đề bảo hiểm xã hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cũng kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ về một số chính sách liên quan đến đời sống người lao động, trong đó có chính sách tiền lương.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa đánh giá rất cao việc Chính phủ quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, đó là năm 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng, tăng 7,33%. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong nhiều năm chúng ta đã tăng tiền lương cho khu vực công, lực lượng vũ trang, người về hưu, nhưng đối với người về hưu khi điều chỉnh, lại điều chỉnh rất bình quân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn chứng: Trong tổng số 3.000.000 người về hưu của chúng ta, có hơn 200.000 người lương hưu từ 10.000.000 đồng trở lên. Điều đáng quan tâm trong vấn đề tiền lương của người nghỉ hưu, đó là những người về hưu trước năm 1993, tức là nằm trong tổng số 22% ngân sách Nhà nước đang chi trả cho lương hưu. Đối tượng này rất cần điều chỉnh.
Do đó, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị: Quốc hội lần này điều chỉnh 7,33% thì nên dành tỷ trọng tăng điều chỉnh lương cho những người nghỉ hưu trước năm 1993 từ 10%-12%, tuy nhiên, chúng ta vẫn đảm bảo bình quân chung là 7,33%.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa đánh giá rất cao việc Chính phủ quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, đó là năm 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng, tăng 7,33%. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong nhiều năm chúng ta đã tăng tiền lương cho khu vực công, lực lượng vũ trang, người về hưu, nhưng đối với người về hưu khi điều chỉnh, lại điều chỉnh rất bình quân.
Liên quan đến tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng: Tại kỳ họp thứ 7 Chính phủ đã có Tờ trình báo cáo 193 đưa ra tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội. Trong đó có 2.270 doanh nghiệp nợ đọng theo dạng doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp chủ đã bỏ trốn làm ảnh hưởng đến 17.000 lao động. Vấn đề này Chính phủ đưa tờ trình nhưng không thấy có đề án, không có đề xuất với Quốc hội xử lý như thế nào.
“Tôi xin đề nghị Chính phủ tiếp tục trình lại Quốc hội xin Quốc hội ghi vào Nghị quyết kinh tế - xã hội của năm nay để giao cho Chính phủ thực hiện việc này theo tinh thần khoản 7 Điều 10 của Luật Bảo hiểm xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu và Quốc hội cũng ủng hộ Chính phủ để chúng ta xử lý vấn đề này, để đảm bảo quyền lợi cho 17.000 lao động, giải quyết chính sách về hưu hoặc người ta xử lý trong cuộc sống”, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị.
Cũng liên quan đến chính sách tiền lương, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề xuất: Đối với vấn đề an sinh xã hội, theo lộ trình, chúng ta bắt đầu chuẩn bị cải cách tiền lương từ năm 2021. Đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18- NQ/TW, Nghị quyết 19- NQ/TW về tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Lợi cho rằng, muốn có nguồn, ngoài nguồn tiết kiệm, tăng thu ngân sách, thì nguồn hết sức quan trọng là phải giảm được biên chế.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-khi-ve-gia-khong-lo-chuyen-tai-chinh-99098.html