Để không ai bị bỏ lại phía sau
Những ngày qua, gia đình bà Hồ Thị Ba, ngụ xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh như vui hơn vì vừa được Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tặng căn nhà 'Tình nghĩa quân-dân'. Ngôi nhà có diện tích xây dựng 70m2, tường xây, mái lợp tôn, nền lát gạch men. Kinh phí xây dựng, Bộ tư lệnh thành phố vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 80 triệu đồng.
Bà Hồ Thị Ba xúc động nói: “Có căn nhà mới khang trang là niềm mơ ước của gia đình tôi trong nhiều năm qua, từ nay, gia đình tôi không phải ở trong căn nhà tôn, mùa mưa dột còn mùa khô thì nóng bức nữa. Đây là điều kiện để tôi yên tâm lao động, sản xuất, phấn đấu vươn lên thoát nghèo”.
Cùng chung niềm vui, gia đình ông Phan Văn Nhí và ông Nguyễn Văn Đực cùng ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ cũng vừa được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tặng căn nhà tình thương. Được biết chỉ trong năm 2022, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng được 62 căn nhà, sửa chữa 217 căn nhà tình thương, đồng đội, “Tình nghĩa quân-dân” tặng nông dân nghèo, người dân khó khăn, đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố. Phong trào tặng nhà cho nông dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn là một trong những mô hình hiệu quả của TP Hồ Chí Minh về thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua.
Sau đại dịch Covid-19 lần 4, nhiều người dân, nhất là những người yếu thế, người lao động phổ thông, nông dân nghèo trên địa bàn thành phố bị mất việc hoặc giảm giờ làm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và xã hội. Vấn đề này đã tác động lớn đến chính sách của thành phố, từ đó thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương nhạy bén, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những khó khăn cụ thể của người dân để kịp thời triển khai chủ trương, chính sách sát thực theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ người nghèo tổ chức sản xuất. Thành phố luôn xem đầu tư cho chính sách giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội là bộ phận hữu cơ thường xuyên trong thực hiện công tác ngân sách, bảo đảm thành phố phát triển bền vững. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách an sinh xã hội để vận động mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động, tạo nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đồng thời giúp người nghèo tiếp cận nhanh các chính sách. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng thường xuyên làm tốt công tác rà soát, cập nhật danh sách, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng. Trên cơ sở đó, thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai, nhân rộng nhiều phong trào, mô hình hiệu quả, thiết thực chăm lo, hỗ trợ người dân khó khăn, “Tặng phương tiện, sinh kế”, “Tặng con giống”, “Người khá giúp người khó”, “Tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa quân-dân”, “Gian hàng 0 đồng”, “Đào tạo nghề, giới thiệu, chuyển đổi việc làm”... Năm 2022, chỉ riêng Quỹ Vì người nghèo các cấp của thành phố đã vận động, tiếp nhận được hơn 191 tỷ đồng. Từ đây, thành phố đã trao hơn 5.900 suất học bổng, tặng 150 phương tiện đi học, 167 sinh kế cùng hàng nghìn suất quà... cho các hộ nghèo, cận nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Thông qua các mô hình, cách làm sáng tạo, thành phố đã làm thay đổi rõ nét về nhận thức của các hộ nghèo, nhận thức các chính sách hỗ trợ là phương tiện để họ vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-729547