Để không còn những bức thư đau lòng của con trẻ: Nên bắt buộc học làm cha mẹ?

Rất nhiều câu hỏi đã vang lên trong đầu óc, trong trái tim mỗi con người, khi bức thư được cho là của bé gái 12 tuổi rơi từ tầng cao xuống đất tử vong tại Hà Nội mới đây - được lan truyền trên mạng xã hội. Lá thư đã lấy đi nước mắt của biết bao người. Dù chưa rõ tính xác thực của lá thư này, cũng như chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên ra sao, nhưng có luồng ý kiến cho rằng, việc cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Những khóa học kỹ năng làm cha mẹ rất cần thiết.

Những khóa học kỹ năng làm cha mẹ rất cần thiết.

Không phải cứ sinh con ra là có thể làm cha mẹ

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc đau lòng được cho là phản ứng của con trẻ khi chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau. Cách đây không lâu, em C.Th (15 tuổi, TP HCM) đã uống 17 viên thuốc chữa bệnh động kinh để khỏi phải chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ.

Trước đó, em N.T.D.K (17 tuổi, ở Phú Yên) cũng uống thuốc trừ sâu tự tử vì buồn bực về chuyện bố mẹ thường xuyên cãi nhau…

Hình ảnh cha mẹ cãi vã với những câu nói thậm tệ sẽ in đậm mãi trong ký ức của đứa con. Với đứa trẻ đa cảm, chúng sẽ thấy buồn bã, lo âu, suy nghĩ và dẫn đến hành động tiêu cực như tìm đến cái chết. Còn một số khác sẽ tác động đến việc hình thành tính cách khi trưởng thành, đứa trẻ sẽ trở nên hung hăng, thiếu kiềm chế, phản ứng tương tự khi xảy ra xung đột.

Và trong câu chuyện của bé gái 11 tuổi rơi từ tầng cao tại Hà Nội thì thông tin ban đầu cho thấy, cha mẹ của bé gái nhiều lần cãi vã căng thẳng. Hai hôm liên tiếp trước khi sự việc xảy ra, bố mẹ cháu bé đều to tiếng.

Chương trình giáo dục làm cha mẹ nên phù hợp với văn hóa, điều kiện của từng địa phương vùng miền

NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, khi xây dựng chương trình cần lưu ý thêm vấn đề giáo dục làm cha mẹ của những người khuyết tật, đặc biệt là đối tượng khiếm thính. Theo điều tra có khoảng 1,3 đến 1,5 triệu người không nghe nói được, thậm chí không biết đọc, biết viết, họ trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu.

“Với đối tượng này, giáo dục làm cha mẹ sẽ thế nào, nên đưa những đối tượng đặc thù vào chương trình. Tương tự với các đối tượng là người dân tộc thiểu số, công nhân khu công nghiệp… không có nhiều thời gian cho con, cần cung cấp kiến thức gì để họ có thể nuôi dạy con hiệu quả?” – ông Nguyễn Võ Kỳ Anh đề xuất.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Bích Hạnh - Tổ chức Plan Việt Nam cho rằng, chỉ nên là chương trình khung bởi không thể có chương trình nào chi tiết cho các nhóm đối tượng khác nhau, ở các vùng miền khác nhau.

“Để chương trình phù hợp với từng vùng miền, các nhóm đối tượng, đạt được mục tiêu đặt ra, cần cân nhắc một số nguyên tắc sau: Chương trình phải phù hợp với văn hóa, điều kiện của từng địa phương vùng miền; hướng tới bình đẳng giới, sự tham gia của nam giới trong giáo dục làm cha mẹ, trong việc thực hành làm cha mẹ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế; hướng tới việc thay đổi hành vi”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Trong lá thư được cho là củ bé gái này, đã có những dòng thật non nớt nhưng cũng thật đớn đau – nỗi đau của một đứa trẻ mong được sống trong gia đình yên ấm và luôn nhớ về những tháng ngày hạnh phúc của gia đình.

"Con nhớ... hồi chúng ta ở nhà cũ! Ngôi nhà đó không tiện nghi như bây giờ, nhưng nó có biết bao kỷ niệm con không thể quên!

Vì nhà chật bố mẹ phải ngủ chung, chứ không như nhà mới bố mẹ ngủ riêng, mẹ ngủ ở phòng, bố ngủ ở ghế. Trước đây, bố hay giúp mẹ việc nhà, giúp đỡ bọn con học hành, nhưng bây giờ thì không. Bố dành thời gian ở ngoài kiếm tiền, ít khi quan tâm gia đình như trước.

Con nhớ những kỳ nghỉ Tết và nghỉ hè, cả gia đình cùng đi chơi với nhau, con thấy rất vui. Nhưng bây giờ, 3 mẹ con đi riêng, 3 bố con đi riêng, làm con cứ thấy thiếu điều gì đó."

Vẫn biết rằng, trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng, cuộc sống gia đình khó mà tránh khỏi những mâu thuẫn, nhưng mỗi gia đình lại có cách ứng xử khác nhau. Một số đôi vợ chồng, dù giận nhau thế nào, họ cũng tỏ ra vui vẻ, thuận hòa, che giấu không để con biết. Nhưng nhiều người vì không kiềm chế được cảm xúc, sẵn sàng văng tục, chửi bậy, to tiếng với nhau trước mặt con cái mà không hề nghĩ đến những ảnh hưởng với con.

Việc cha mẹ bất hòa, đánh chửi nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần. Những đứa trẻ rất nhạy cảm, chúng cảm nhận được không khí gia đình thông qua hành động, lời nói của cha mẹ.

Một nghiên cứu đã chỉ ra một đứa bé 6 tháng tuổi đã có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu chứng kiến tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Trẻ từ 1 đến 19 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn tuổi teen rất nhạy cảm với những xung đột trong hôn nhân của cha mẹ.

Từng câu, từng chữ trong bức thư của cô con gái nhỏ như cứa ngàn nhát dao vào trái tim những bậc làm cha mẹ và truyền tải đi một thông điệp rằng: Làm cha, làm mẹ không hề dễ dàng chút nào, bởi đâu chỉ đơn giản là đẻ và nuôi!

Chương trình giáo dục làm cha mẹ - không nhiều người biết

Các kết quả nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, hỗ trợ làm cha mẹ vẫn còn là khoảng trống rất lớn. Trước khi bước vào hôn nhân hầu như thanh niên chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để làm cha mẹ.

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, cha mẹ cũng thiếu thông tin khoa học và thiếu sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Kiến thức, kỹ năng của cha mẹ về đặc điểm, nhu cầu phát triển của con, cách tác động phù hợp đến trẻ tạo cơ hội cho trẻ phát triển, cũng như ảnh hưởng của việc làm cha mẹ đối với kết quả phát triển của trẻ còn rất hạn chế.

Theo NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng của con người (IPD), từ năm 1986 ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về giáo dục cha mẹ ở Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận. Đây là một chương trình khá công phu, cũng đánh giá được thực trạng rằng kiến thức, kỹ năng của cha mẹ kém. Kể từ thời điểm đó, đã nhiều năm trôi qua nhưng thực tế hiện nay cũng không hơn được mấy.

 Việc cha mẹ bất hòa, đánh chửi nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần.

Việc cha mẹ bất hòa, đánh chửi nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần.

Đúng như nhận định của NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, có thể thấy, sau câu chuyện thương tâm của bé gái và sau rất nhiều câu chuyện thương tâm của những đứa trẻ khác vì cha mẹ, đáng tiếc rằng vẫn không có nhiều người nghĩ rằng, làm cha mẹ cũng cần phải học và cần thiết phải có chương trình giáo dục làm cha mẹ.

Trên thực tế, Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ giai đoạn 2020-2025 là một trong những nội dung thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”.

Theo đó, Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ được xây dựng nhằm giúp cha mẹ và người chăm sóc trực tiếp có đủ kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ phù hợp với các mốc phát triển từ 0 đến 16 tuổi, góp phần hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em.

Chương trình hướng đến một số mục tiêu cụ thể với cha mẹ, người chăm sóc trẻ trực tiếp có con từ 0 đến 16 tuổi: Phấn đấu đạt 80% được thông tin về nội dung chương trình giáo dục làm cha mẹ và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình; phấn đấu đạt 70% được tiếp cận, tập huấn, cung cấp, hỗ trợ thông tin, kiến thức và kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ phù hợp theo từng giai đoạn tuổi; phấn đấu 40% được tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về định hướng nghề nghiệp cho trẻ em; có ít nhất 30% nam nữ trong độ tuổi kết hôn được tham gia tập huấn và cấp giấy chứng nhận về giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ…

Dự kiến thời gian và lộ trình thực hiện Chương trình từ năm 2020 đến năm 2025. Trong đó 3 năm đầu xây dựng và triển khai thí điểm tại 3-5 tỉnh/thành phố (mỗi xã, phường xây dựng ít nhất 1 mô hình, dịch vụ hiệu quả về giáo dục làm cha mẹ như: Nhóm cha mẹ, câu lạc bộ mẹ - con, câu lạc bộ nuôi dạy con tốt, điểm tư vấn về giáo dục làm cha mẹ…); đánh giá kết quả thí điểm. Hai năm sau đó, triển khai rộng trên toàn quốc và đề xuất chính sách từ kết quả triển khai Chương trình.

Luật định hóa việc học làm cha mẹ

Đã và đang có rất nhiều cuộc hội thảo bàn bạc xung quanh dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ. Theo đó, có nhiều ý kiến cho rằng các cặp đôi sẽ phải qua lớp học tiền hôn nhân mới được cấp giấy đăng ký kết hôn và cần có ngân hàng tài liệu giáo dục làm cha mẹ…

Cụ thể, theo bác sĩ Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, cần xây dựng được chuẩn năng lực làm cha mẹ. Đưa tất cả các kỹ năng mà cha mẹ cần có vào chuẩn năng lực này. Sau đó, cố gắng pháp chế hóa thành điều kiện để tiến tới hôn nhân.

“Chẳng hạn như, đầu tiên có thể vận động, khi các cặp đôi đến đăng ký kết hôn sẽ phải làm câu hỏi trắc nghiệm trong 15 phút, nếu trả lời đạt 50% trở lên thì sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Để thực hiện được điều này thì các cặp đôi phải qua lớp học tiền hôn nhân - một trong những điều kiện để đăng ký kết hôn. Nước ngoài làm được, tại sao Việt Nam lại không?” - bác sĩ Đinh Anh Tuấn nêu quan điểm.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, có một thực tế là hiện nay nhiều nam giới không có kiến thức pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cũng như không biết phải chăm sóc con thế nào. Dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ chưa có giải pháp tác động đến người cha, do đó cần có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể khác thay vì nếu chỉ mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện.

Ở góc độ ngành Giáo dục, liên quan đến vấn đề lớp học tiền hôn nhân, ông Trịnh Cao Khải, Nhà xuất bản Giáo dục đặt vấn đề giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ có nên đưa vào lồng ghép ở cấp học phổ thông không khi thực tế có những em học xong lớp 12, thậm chí chưa học xong phổ thông đã ngấp nghé lập gia đình.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Thùy Dương - Tổ chức Save Children cũng đặt câu hỏi trong dự thảo có mục tiêu 50% nam nữ trong độ tuổi kết hôn được tiếp cận kiến thức về giáo dục tiền hôn nhân/giáo dục làm cha mẹ. Vậy có phải thanh niên từ 18 tuổi trở lên mới được tiếp cận không và nếu những kiến thức này chỉ dạy ở các cơ sở đại học thì những em không học đại học sẽ tiếp cận bằng cách nào khi thực tế ở miền núi có tình trạng tảo hôn, 13 tuổi đã lấy nhau rồi?...

Hiện nay, nội dung dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến xây dựng. Mong rằng, trong tương lai khi đi vào thực tiễn, chương trình sẽ góp phần làm giảm thiểu những bi kịch gia đình mà con trẻ phải gánh chịu vì sự thiếu kỹ năng của các bậc sinh thành.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em:

Tôi vừa tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em tại 6 tỉnh. Nhận định chung ở cả 6 tỉnh này là tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc cha mẹ chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm, mải mê làm ăn, xao nhãng việc chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con.

Thực tế này cho thấy sự cần thiết của Chương trình này trong việc giúp các phụ huynh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong việc làm cha mẹ tốt; giúp trẻ em có đời sống tinh thần phong phú chứ không chỉ tập trung vào học hành, ăn uống đầy đủ…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN):

Vấn đề xây dựng khung chuẩn năng lực làm cha mẹ rất quan trọng. Trong dự thảo đã đề cập đến chỉ tiêu 50% nam nữ trong độ tuổi kết hôn được tập huấn tiền hôn nhân.

Trước đó chỉ định để mục tiêu 30% nhưng Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương yêu cầu nâng mục tiêu này lên. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Hội LHPNVN với mong muốn khi kết hôn các cặp đôi phải xuất trình được giấy chứng nhận đã qua lớp tiền hôn nhân.

Bà Lê Thị Thùy Dương – Tổ chức Save Children:

Không phải cứ sinh con ra là có thể làm cha mẹ, nên nếu chương trình được phê duyệt có thể giúp chính cha mẹ và trẻ phát triển tốt hơn. Cần huy động nhiều nam giới tham gia vào chương trình và lựa chọn nam giới nào là người cha tích cực, là con người của gia đình có thể mời làm đại sứ tuyên truyền cho vấn đề này.

Mặt khác, việc phối hợp giữa các ban ngành trong việc thực hiện chương trình này là thách thức lớn vì trong dự thảo hầu như không đề cập đến sự phối hợp, cam kết của các ban ngành, đoàn thể. Vì thế, tôi mong đợi dự thảo càng rõ ràng, càng cụ thể càng tốt. Trong đó, cần cụ thể vai trò của các đơn vị phối hợp.

Bà Trần Thị Minh Hương - Phó ban Quốc tế, Trung ương Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Việc xây dựng web, app trên điện thoại để phổ biến kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ rất hay. Giống như ở Mỹ có những trang web thông tin rõ ràng, có sẵn trên mạng. Từ những người làm chính sách, người dân bình thường đều có thể tìm hiểu thông tin từ web này.

Bà Cao Hồng Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam:

Cần cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thế mạnh của họ… để có cơ chế điều phối, vận hành. Không rõ ràng trong cơ chế sẽ tác động đến việc đạt được mục tiêu của chương trình.

Bà Nguyễn Thị Thục Hạnh - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam:

Nên xây dựng bộ tài liệu riêng cho cha, riêng cho mẹ và cho người chăm sóc vì xu thế bố mẹ đi làm ăn xa ngày càng tăng, trẻ phải sống cùng ông bà ngày một nhiều. Kỹ năng để ông bà dạy các cháu đang rất thiếu.

X.Hoa (thực hiện)

Xuân Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/de-khong-con-nhung-buc-thu-dau-long-cua-con-tre-nen-bat-buoc-hoc-lam-cha-me-481803.html