Để không còn những cái chết thương tâm do đuối nước
Liên tiếp thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước trẻ em tại các địa phương của cả nước nói chung và ở TP Huế nói riêng. Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc quản lý, bảo vệ trẻ em của các bậc phụ huynh, người lớn. Điều đáng nói, dù được cứu sống sau tai nạn đuối nước nhưng nhiều trẻ em vẫn có nguy cơ bị di chứng thần kinh rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và học tập.
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đuối nước
TP Huế hiện có nhiều sông, suối và các bãi biển đẹp, vào mùa hè thu hút đông khách du lịch và người dân địa phương đến vui chơi, bơi lội, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên có nhiều bãi tắm tự phát, không có ban quản lý hoặc bảo vệ trông coi nên khi xảy ra trường hợp có người đuối nước thường được phát hiện muộn, không được ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, tại một số xã, phường ở TP Huế có nhiều ao hồ với mực nước sâu, vì chủ quan nên trẻ em địa phương thường đến những khu vực này vui chơi và bất cẩn ngã xuống hồ dẫn đến đuối nước thương tâm.
Như mới đây, vào chiều ngày 22/7, một nhóm 5 học sinh ở thôn 1B, phường Phú Bài, TP Huế đến hồ nước ở nghĩa trang Phú Bài để chơi. Lúc này cháu T.C.M.T (SN 2020) không may bị ngã xuống hồ. Nghe tiếng kêu cứu, anh N.Đ (SN 1994, ở phường Phú Bài) đang câu cá cạnh đó liền lao xuống cứu nhưng do hồ nước quá sâu nên đã bị đuối nước. Vụ việc khiến cháu T và anh Đ tử vong. Đến chiều cùng ngày, thi thể 2 nạn nhân mới được lực lượng chức năng tìm thấy bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em thường xảy ra tại các bãi tắm trên sông, biển.
Trước đó, em P.V.N.M (SN 2012), học sinh lớp 7 Trường Tiểu học và THCS Thủy Tân, TP Huế cùng nhóm bạn đến bãi biển xã Vinh Thanh để tắm. Trong lúc tắm biển, em M không may bị sóng lớn cuốn trôi ra xa và mất tích. Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TP Huế đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và huy động phương tiện ghe thuyền của ngư dân để tìm kiếm em M. Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng CNCH mới tìm thấy thi thể em M.
Vào những ngày hè này, một số khu vực dọc bờ sông Hương trở thành bãi tắm tự phát có nhiều học sinh, sinh viên và người dân đến bơi lội. Tại các khu vực này, UBND các phường đã tiến hành cắm biển hiệu cảnh báo và thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nhắc nhở học sinh, con em không tắm sông để tránh tai nạn đáng tiếc. Thế nhưng vẫn có nhiều học sinh đến các bãi tắm này bơi lội và vì chủ quan, không mặc áo phao nên đã có học sinh bị đuối nước khi tắm trên sông Hương. Mới đây, nam sinh N.Đ.T.T (SN 2010, trú ở phường Hương An, TP Huế) trong lúc bơi tại khu vực cầu bán nguyệt trên sông Hương thì không may đuối nước và được đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu nhưng sau đó không qua khỏi.
Tăng cường tuyên truyền, trang bị kỹ năng sơ cứu
Thống kê của Khoa Hồi sức Tích cực - Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong thời gian gần đây, đơn vị đã tiếp nhận điều trị cho 10 trẻ em bị đuối nước nặng. Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, tất cả những trường hợp này đã được cứu sống, tuy nhiên trong số này có nhiều trẻ phải đối mặt với di chứng thần kinh nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Theo các bác sĩ, chỉ một số ít trường hợp hy hữu trẻ em bị đuối nước may mắn được cứu sống và không để lại di chứng nhờ được sơ, cấp cứu đúng cách. Như trường hợp cháu N.T.T.M (SN 2023, ở xã Lộc An, TP Huế) vừa được xuất viện sau gần 2 tuần điều trị tích cực do ngưng tim vì đuối nước.
Vào ngày 6/7 vừa qua, cháu M không may bị ngã vào hồ cá trong sân nhà. Khi được phát hiện, cháu đã hôn mê, tím tái, ngưng thở, không phản ứng. Người nhà lập tức hồi sức tim phổi tại chỗ trong vòng 2 phút và sau đó chuyển cháu đến Trạm y tế xã và cháu được chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Thời điểm nhập viện, cháu M hôn mê sâu, SpO chỉ còn 80% dù đã thở oxy, tiên lượng tử vong cao. Lúc này các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, cho cháu thở máy, sử dụng kháng sinh, vận mạch và áp dụng hạ thân nhiệt chỉ huy cho cháu bé. Sau nhiều ngày tích cực điều trị, cháu M dần tỉnh táo, đi lại và ăn uống bình thường, không để lại di chứng thần kinh rõ rệt.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ em bị đuối nước, việc sơ cứu đúng tại hiện trường đóng vai trò sống còn của trẻ. Theo đó, cần đưa trẻ ra khỏi nước càng sớm càng tốt, di chuyển trẻ đến nơi khô ráo, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Tiến hành kiểm tra phản ứng và hơi thở của trẻ.
Nếu trẻ không thở cần tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) theo chu kỳ 15 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt. Vị trí ép giữa ngực với 100-120 lần/phút, sau 5 chu kỳ khoảng 2 phút cần gọi cấp cứu nếu trước đó chưa gọi. Nếu trẻ thở yếu hoặc hôn mê cần đặt nằm nghiêng an toàn, giữ ấm, theo dõi sát và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. Trong trường hợp trẻ đã tỉnh vẫn cần cho trẻ nhập viện theo dõi để tránh biến chứng phù phổi, rối loạn nhịp, tổn thương não.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Huế cho biết, tai nạn đuối nước thường để lại nỗi đau lâu dài, do đó cần phòng ngừa, giám sát và sơ cứu đúng cách là ba chìa khóa để bảo vệ trẻ em khỏi đuối nước. Để phòng tránh đuối nước cho trẻ em, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các trường học đóng trên địa bàn để tổ chức tập huấn kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Huế còn yêu cầu các bậc phụ huynh, nhà trường cần chủ động dạy trẻ học bơi và những kỹ năng an toàn dưới nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong cộng đồng và yêu cầu phụ huynh, các thầy cô giáo trang bị kiến thức sơ cứu để có thể kịp thời sơ cứu trẻ không may bị đuối nước.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước, tương đương hơn 5 trẻ/ngày. Phần lớn tai nạn xảy ra tại gia đình hoặc khu vực xung quanh ao hồ, giếng nước, sông suối, thậm chí là hồ cá, bồn nước, bể bơi mini trong nhà. Đặc biệt, trẻ có thể đuối nước chỉ trong 20 đến 30 giây, không hề vùng vẫy hoặc kêu cứu như người lớn vẫn hình dung.