Để không còn những liệt sĩ chưa xác định được danh tính
Ngày 23-7-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, ra mắt 'Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ'.Việc làm này sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen (ADN).MỞ RA HY VỌNG 'TRẢ LẠI TÊN CHO LIỆT SĨ'
Trải qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc xương máu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng nỗi đau còn hiện hữu, nhất là đối với những thân nhân liệt sĩ vì còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và vẫn còn nhiều mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa quy tập, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, nước bạn Lào và Campuchia; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng thiếu thông tin.
Ở Tiền Giang, theo đồng chí Nguyễn Phạm Phú, Phó Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐTB&XH, trên địa bàn tỉnh hiện có 29.306 phần mộ liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang, trong số này có 5.882 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin danh tính. “Đặc thù điều kiện thời tiết ở nước ta nóng ẩm, thời gian phân hủy sẽ rất nhanh, nếu không khẩn trương quy tập và xác định danh tính thì chỉ khoảng 10 năm nữa, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ sẽ không còn thực hiện được.
Do đó, việc khẩn trương định danh ADN của các liệt sĩ để đưa các liệt sĩ về lại với gia đình nhằm phần nào bù đắp những nỗi đau, mất mát do chiến tranh gây ra, cũng như thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam là cấp thiết hơn bao giờ hết”, đồng chí Nguyễn Phạm Phú nói.
Thời gian qua, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính của hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm thực hiện. Theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện theo 2 phương pháp là phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN.
Việc áp dụng phương pháp nào thì có nguyên tắc đã được quy định như: Thứ tự ưu tiên là áp dụng phương pháp thực chứng trước; khi không áp dụng được phương pháp thực chứng mới áp dụng phương pháp giám định ADN, có những ngôi mộ bắt buộc phải áp dụng phương pháp này và có những ngôi mộ chỉ áp dụng được phương pháp kia.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan chức năng nghiên cứu hồ sơ, giấy tờ và tư vấn cho thân nhân liệt sĩ nên làm theo phương pháp nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Hệ thống tra cứu thông tin mộ liệt sĩ điện tử quốc gia cũng đã được xây dựng, vận hành để thân nhân, gia đình liệt sĩ theo dõi, tìm kiếm thông tin. Nhưng thực tế, dù có tìm thấy hài cốt nhưng để định danh chính xác thông tin liệt sĩ vẫn còn nhiều khó khăn.
ĐÃ HOÀN TẤT CÔNG TÁC RÀ SOÁT VÀ LẬP HỒ SƠ
Triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thiết thực, nhằm tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh quên mình vì độc lập, tự do, vì toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Đây cũng là một trong những mục tiêu hướng tới của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Việc làm này cũng nhằm chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tích hợp dữ liệu thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân với cơ sở dữ liệu căn cước theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực cho việc thu thập ADN của công dân là thân nhân liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ đã cơ bản được đảm bảo.
Đồng thời, Bộ Công an đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước phục vụ triển khai Luật Căn cước từ ngày 1-2-2024, trong đó có quy định cụ thể về việc “thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước” liên quan đến thông tin AND. Đảm bảo lưu trữ dữ liệu sinh trắc học ADN của công dân tự nguyện cung cấp tạo nền tảng pháp lý cho công tác thu thập, lưu trữ, đối sánh, xác minh, tìm kiếm thông tin liệt sĩ được đồng bộ, tiết kiệm và hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của trung ương, Công an tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 299 về triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh đã quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Bộ Công an, khẩn trương xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Công an tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan tích cực phối hợp với lực lượng Công an tiến hành rà soát, xác minh và cập nhật đầy đủ thông tin các liệt sĩ chưa xác định được hài cốt cũng như gia đình có thân nhân là liệt sĩ chưa xác định thông tin hài cốt để ưu tiên thu thập mẫu ADN thân nhân.
Đồng thời, tiến hành rà soát hiện trạng hài cốt liệt sĩ trên địa bàn bao gồm: Các trường hợp đã và đang được quy tập, các trường hợp chưa được quy tập về các nghĩa trang; các trường hợp đã thu mẫu về Cục Người có công và các đơn vị có liên quan nhưng chưa thực hiện phân tích. Trên cơ sở thông tin đã được thu thập, lực lượng Công an sẽ tiến hành cập nhật, làm sạch thông tin nhân thân liệt sĩ nhằm tạo lập kho dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đến thời điểm này, ngành Công an và ngành LĐTB&XH các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện và hoàn tất công tác rà soát thu thập thông tin, cập nhật dữ liệu liên quan công tác thu thập AND thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn.
Được biết, trong giai đoạn tiếp theo, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành đánh giá phân loại thân nhân gia đình có liệt sĩ chưa xác định thông tin hài cốt có thể thu mẫu đối sánh. Trong đó, xác định các gia đình có người thân ở mức độ ưu tiên có khả năng đối sánh cao gồm mẹ đẻ liệt sĩ, bà ngoại ruột của liệt sĩ, anh chị em cùng mẹ đẻ với liệt sĩ, cậu và dì ruột của liệt sĩ, anh em con của dì ruột liệt sĩ, con của chị em gái của liệt sĩ để ưu tiên thực hiện trước, các thân nhân còn lại thực hiện sau.
Các mẫu ADN của thân nhân và hài cốt liệt sĩ sau khi được thu nhận sẽ được phân tích, mã hóa và lưu trữ, xử lý, đối sánh tập trung tại cơ sở dữ liệu Căn cước để xác định danh tính. Trong đó, ADN của thân nhân liệt sĩ sẽ được phân tích theo 3 định dạng là mtADN, STR và SNP; đối với hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính sẽ phân tích ADN theo định dạng mtADN. Cơ quan chức năng định kỳ sẽ công bố danh tính các hài cốt liệt sĩ xác định được qua đối sánh, truy nguyên thông tin ADN đã thực hiện.