Để không còn những vụ việc đau lòng khi trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón
Theo các chuyên gia, cần sớm thông qua quy định quản lý hoạt động xe đưa đón học sinh tại hai dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ, từ đó có thêm chế tài siết chặt quản lý hoạt động này, ngăn những cái chết đau lòng vì bỏ quên trẻ trên xe.
Nỗi đau mới từ những bài học cũ
Từ tối qua đến nay (29 và 30/5), người dân cả nước, ai nấy đều bàng hoàng, xót xa trước sự ra đi của bé T.G.H (5 tuổi, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, Thái Bình) khi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh Trường mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 của trường suốt 10 tiếng giữa trời nắng nóng.
Con chỉ được phát hiện khi người thân đến đón đi học về nhưng nhận được thông báo từ cô con không đến lớp. Tá hỏa đi tìm, người thân và nhà trường thấy con trên xe, phá cửa kính đưa con ra ngoài đi cấp cứu, nhưng không thể qua khỏi.
Được biết, trong sáng 29/5, giáo viên của lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý, biết vắng H nhưng không thông báo cho gia đình.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh. Năm 2019, vụ việc bé L.H.L (6 tuổi), học sinh trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường khi em đang ngủ, dẫn đến tử vong do suy hô hấp tuần hoàn trong không gian giới hạn, đến nay vẫn còn khiến dư luận quan tâm, xót xa.
Giá như cô giáo thông báo cho gia đình về sự vắng mặt của các em, giá như lái xe cẩn thận kiểm tra xe trước khi đóng cửa, tắt máy… Câu giá như ấy có thốt ra bao nhiêu lần, hàng nghìn hàng vạn lần cũng không thể đưa các em trở lại bên gia đình.
Những sự ra đi ấy không hề được báo trước, lại càng day dứt đối với gia đình, người thân của các em. Những hình dung về giây phút cuối cùng của các bé diễn ra trong sự đau đớn, hoảng loạn, sợ hãi, đơn độc và tuyệt vọng sẽ gặm nhấm cõi lòng các bậc làm cha mẹ, ông bà... đến suốt cuộc đời.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, những cái chết ấy hoàn toàn có thể tránh được nếu việc quản lý hoạt động của xe đưa đón được thực hiện bài bản, chặt chẽ, có trách nhiệm hơn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Đã đến lúc cần siết lại kỷ cương của loại hình vận tải xe đưa đón học sinh theo hướng quản lý chặt về phương tiện và người lái xe.
Cần thực hiện nghiêm các điều kiện kinh doanh vận tải đối với đơn vị vận tải hoạt động xe đưa đón học sinh, yêu cầu lái xe phải được tập huấn nghiệp vụ vận tải, nghiệp vụ an toàn.
Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, trẻ em là đối tượng cần được ưu tiên do đó cần đảm bảo cho trẻ môi trường tham gia giao thông một cách an toàn hơn so với các đối tượng khác.
Tuy nhiên, hiện nay, quản lý hoạt động đưa, đón học sinh bằng ô tô tại Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn giản là một hình thức vận tải hợp đồng thông thường.
Không những vậy, tại các tỉnh, địa phương, nhiều trường hợp xe chở học sinh có chất lượng thấp, cũ kỹ do kinh doanh vận tải không hấp dẫn nên chuyển đổi sang hình thức đưa, đón học sinh ở cự ly gần.
"Quy định phải có người quản lý học sinh trên xe cũng chưa có, học sinh hiện được đối xử không khác những hành khách thông thường.
Phương tiện chở học sinh cũng chưa được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn chuyên dụng cho trẻ mà chỉ dừng ở mức có gì dùng lấy", vị chuyên gia này cho hay.
Sửa luật, ngăn trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón
Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được Quốc hội thảo luận, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7, ban soạn thảo đã đề xuất riêng một Điều 70 quy định hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô.
Theo đó,hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện.
Trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Cùng đó, tại dự thảo Luật TTATGT, Điều 46 quy định về bảo đảm TTATGT đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non, trong đó nêu rõ, xe ô tôkinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Ô tô từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Xe có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định
Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
Bên cạnh đó, lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm TTATGT đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.
Xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, những quy định về loại hình vận tải đưa, đón học sinh trong hai dự thảo Luật sẽ tăng cường công tác quản lý đối với loại phương tiện này.
Đồng thời, việc quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, lái xe và người giám sát sẽ góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc quy định màu sơn riêng dành cho loại hình xe vận tải đưa, đón học sinh là cần thiết. Kèm theo đó cần bổ sung những ưu tiên về quyền đi lại với màu sơn đó.
Dự thảo Luật TTATGT đã đề cập đến nội dung này, khi xây dựng các văn bản hướng dẫn cần quy định chi tiết, chẳng hạn trong điều kiện ùn tắc giao thông sẽ được nhường đường di chuyển giúp học sinh kịp đến trường đúng giờ.
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nhìn nhận: Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe đưa đón học sinh. Do đó, việc dự thảo Luật Đường bộ và Luật TTATGT bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh là rất nhân văn, thể hiện chủ trương bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Tại dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ - ô tô, phân loại theo mục đích sử dụng, Bộ GTVT cũng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật riêng đối với ô tô chở học sinh. Theo đó, ô tô chở người chuyên dùng được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ "Ô tô chở học sinh" mặt trước và mặt sau xe.
Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 1 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (là người trưởng thành).
Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 56 người.
Xe chở học sinh phải được trang bị bộ sơ cứu với trang bị phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em; Trang bị thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách; Đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; Thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.