Để không còn tai nạn thương tâm do bỏ quên học sinh trên xe đưa đón
Lắp đặt trang thiết bị an toàn thông minh; thiết lập hệ thống liên lạc, kiểm soát các khâu đưa đón song song với huấn luyện kỹ năng thoát hiểm là những việc cần triển khai một cách hệ thống để không còn những câu chuyện thương tâm xảy ra với những học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón.
Những ngày qua, vụ việc bé trai 5 tuổi T.G.H (ở Thái Bình) tử vong do bị bỏ quên trong xe đưa đón của trường khiến ai cũng bàng hoàng, xót xa. Trước đó, vào mùa nhập trường năm 2019, vụ việc tương tự đã xảy ra tại trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) khiến bé L.H.L - học sinh lớp 1 tử vong.
Ngoài 2 vụ việc thương tâm này, từng có nhiều trường hợp học sinh bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón khác nhưng may mắn chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Điều đó cho thấy quy trình đưa đón học sinh của các trường học còn nhiều lỗ hổng an toàn cũng như ý thức trách nhiệm của những người liên quan như lái xe, nhân viên đưa đón, giáo viên...
Cần thiết lập quy trình đưa đón học sinh đảm bảo an toàn, đồng bộ
Việc lặp lại tai nạn thương tâm do học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón khiến dư luận bức xúc và xót xa. Trên trang cá nhân, nhà báo Trần Thu Hà (Mẹ Xu Sim, tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng về nuôi dạy con như Buông tay để con bay, Con nghĩ đi mẹ không biết...) cho biết, cô cảm thấy phẫn uất vì sự tắc trách của người lớn.
Cô Trần Thu Hà đề xuất, cần có quy tắc kiểm tra giữa nhà trường, bảo mẫu về việc đưa đón và thông báo tình hình hiện diện của trẻ. Song song với đó, gia đình và nhà trường cần trang bị cho học sinh các kỹ năng sinh tồn khi xảy ra sự cố, chẳng hạn như bấm còi xe ở khu vực vô lăng (vẫn hoạt động cả khi xe tắt máy), bật tín hiệu khẩn cấp trên xe, phá vỡ kính bằng thiết bị trên xe, mở cửa xe,… Quan trọng nhất là ngành giáo dục cần nghiêm túc yêu cầu các đơn vị tổ chức đưa đón học sinh phải áp dụng và tuân theo các quy trình bảo đảm an toàn nhằm tránh những sự việc đau lòng tái diễn.
Tài khoản M.Đ so sánh quy trình đưa đón học sinh tại Việt Nam và Mỹ từ đó chỉ ra, ở Mỹ sử dụng loại xe chuyên dùng để đưa rước học sinh với các thiết bị tuân theo một quy trình đảm bảo an toàn trong khi xe đưa đón ở Việt Nam vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung. "Chúng ta hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc lắp đặt các camera AI cảm biến hay hệ thống Child check-mate. Hệ thống này dựa vào thiết bị tín hiệu lắp đặt ở cuối xe, mục đích là để tài xế phải kiểm tra xe một lượt để xem có học sinh ngủ quên hay bị bỏ lại phía sau."
Sử dụng đồng hồ thông minh, trang bị kỹ năng tự bảo vệ khi di chuyển
Từ vấn đề phòng tránh rủi ro khi sử dụng xe đưa đón của trường học, teen cũng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của những kỹ năng bảo vệ bản thân khi di chuyển bằng xe công cộng.
Minh Đức (lớp 11 trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cho rằng, việc chọn các đơn vị vận chuyển uy tín là ưu tiên số một: "Ngoài ra, nếu chọn xe ôm công nghệ, mình cũng chọn các hãng có dịch vụ hỗ trợ khách hàng khẩn cấp. Nếu đi xe bus, tụi mình cần tìm hoặc chú ý vị trí các búa đập vỡ kính thoát hiểm hoặc còi báo động để đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra."
Mai Phương (Học viện Ngoại Giao, Hà Nội) cho rằng điều quan trọng là luôn phải giữ trạng thái tỉnh táo mỗi khi di chuyển, kể cả với xe buýt hay taxi: "Nếu bắt xe đến điểm hẹn với bạn bè hay người thân, mình sẽ gửi link định vị cho gia đình, người hẹn gặp để theo dõi hành trình hay hỗ trợ mình kịp thời."
Tường Vân (ĐH Greenwich, TP.HCM) cho biết, em trai Vân đã từng suýt bị bỏ quên trên xe đưa rước vì ngủ quên: "Không gian xe khá tối, em mình lại nằm ngang trên băng ghế sau nên chú tài xế không để ý. Mãi đến lúc về đến bãi đỗ xe của chú, khi đi ra phía sau kiểm tra cốp, chú mới phát hiện, đánh thức em mình và chở về nhà."
Sau sự việc trên, Tường Vân và gia đình đã trang bị ngay đồng hồ thông minh có tích hợp định vị và tính năng theo dõi giấc ngủ, nhịp tim và gửi tín hiệu khẩn cấp. Tường Vân cho biết, các thiết bị này thật sự hiệu quả trong việc theo dõi và bảo vệ người thân từ xa.