Để không còn tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em

Trẻ em tuyên truyền về vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh: KIM CHI

Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trước tình trạng đó, Bộ LĐ-TB-XH đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục (XHTD) tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng; nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em xảy ra trong cả gia đình, nhà trường, các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực trạng đáng báo động

Liên tiếp nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Gần đây nhất là vụ nhiều bé gái ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội (TP Hồ Chí Minh) tố cáo bị XHTD. Trong quá trình hỗ trợ tâm lý cho N.N.K.N (14 tuổi) cho thấy em này có dấu hiệu bất ổn về tâm sinh lý. N trình bày: Khi ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội (TP Hồ Chí Minh), em và nhiều trẻ khác bị ông D, làm ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ, dâm ô nhiều lần. Hay như tại tỉnh Hậu Giang, đầu tháng 10 vừa qua, Công an huyện Phụng Hiệp đã khởi tố và bắt Phạm Văn Hậu (huyện Phụng Hiệp) về hành vi giao cấu nhiều lần với người dưới 16 tuổi...

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), từ năm 2015 đến nay, cả nước đã xảy ra 6.337 vụ với 6.432 trẻ em bị XHTD, trong đó có một số vụ đối tượng xâm hại nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có từ 3-4 trẻ bị XHTD. Đây là con số được phát hiện, có thể có những vụ việc đã không được đưa ra ánh sáng do yếu tố tâm lý của nạn nhân và gia đình người bị hại.

Riêng tại Phú Yên, theo kết quả báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, từ năm 2015 đến nay phát hiện 850 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 118 vụ bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em, chủ yếu là bạo lực về thể xác (đánh đập); 83 trường hợp trẻ em gái bị XHTD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, phát hiện 11 trường hợp trẻ em gái bị bạo lực, XHTD. Các đối tượng XHTD đã bị khởi tố, xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, cho biết: Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Các hoạt động tư vấn, tham vấn bằng nhiều hình thức phong phú như: tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tiếp... Tuy nhiên, hoạt động tư vấn cũng còn nhiều khó khăn. Đó là, trẻ em chưa được trang bị nhiều kiến thức về kỹ năng tự vệ và bảo vệ bạn khi bạn rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đối tượng là người chăm sóc trẻ và cộng đồng dân cư còn thiếu kiến thức về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em bị XHTD. Sự chưa hiểu nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên trong gia đình ngày càng nhiều nên nhiều trường hợp dẫn đến bạo hành trẻ em...

Hành động vì sự an toàn của trẻ em

Trước thực trạng liên tiếp trẻ em bị bạo lực xâm hại, Bộ trưởng LĐ-TB-XH đã đề nghị các tỉnh cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm các quyền của trẻ em, để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em. Tăng cường kỹ năng sống thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với các tác động tiêu cực. Đồng thời đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy chia sẻ: Bạo lực đối với trẻ em không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ, kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý. Khi bị bạo hành thường xuyên, trẻ dễ có những rối loạn hành vi và ứng xử. Còn XHTD trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài cả về thể xác lẫn tinh thần cho nạn nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong lành và phát triển bền vững của xã hội. Do đó, những kẻ XHTD trẻ em nhất thiết phải bị trừng trị nghiêm khắc.

Trong đời sống xã hội, gia đình được xem là tổ ấm; là nơi thỏa mãn những nhu cầu tình cảm và vật chất của con người; là nơi các thành viên gia đình tìm được sự yêu thương, chia sẻ; là nơi tiếp sức cho con người có nhiều nghị lực để vượt qua những áp lực trong công việc và các thử thách hay khó khăn bên ngoài xã hội; là nơi yên bình nhất của con người. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp làm cho các thành viên trong gia đình rơi vào trạng thái bất ổn, mái ấm gia đình không còn bình lặng. Vấn nạn này đã để lại nhiều nỗi đau cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người làm mẹ, làm vợ và trẻ em là nạn nhân chịu nhiều hậu quả trực tiếp và nặng nề của bạo lực, xâm hại. Đây là một vấn đề xã hội bức xúc, là hành vi vi phạm pháp luật xã hội cần phải lên án và xử lý kịp thời.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/232341/de-khong-con-tinh-trang-xam-hai-bao-luc-tre-em.html