Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài 2: Thiếu cơ sở giết mổ tập trung
Giết mổ nhỏ lẻ đã tạo điều kiện cho bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan nhanh và khó kiểm soát.
Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Nhà nhà nuôi lợn
Hơn 1.200 điểm giết mổ nhỏ lẻ
Trước khi DTLCP xuất hiện tại Hải Dương, mỗi ngày điểm giết mổ lợn của gia đình anh Nguyễn Đình Thực ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) mổ từ 3-4 con lợn. Từ ngày có dịch, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm nên anh chỉ mổ từ 1-2 con lợn/ngày. "Vì toàn là người trong làng, trong xã nên ai gọi đến bắt lợn là tôi đi. Tôi chẳng mấy quan tâm đến việc lợn đó có bị nhiễm dịch hay không", anh Thực chia sẻ.
Phượng Hoàng được coi là "thủ phủ" chăn nuôi lợn ở huyện Cẩm Giàng, nơi đây cung cấp nguyên liệu cho rất nhiều lò mổ nhỏ lẻ ở các địa phương lân cận như Phú Lộc, Văn Thai, Phí Xá… Lợn được vận chuyển đi khắp nơi; người mua lợn đi từ chuồng trại này đến trang trại khác đã vô tình trở thành trung gian lây nhiễm mầm bệnh, rất khó kiểm soát. "Không chỉ giết mổ lợn, gia đình tôi còn nuôi trên trăm con lợn thịt. Khi dịch tràn về thôn, tôi đã dừng hẳn mổ lợn để tránh lây bệnh sang lợn nuôi nhưng không kịp. Toàn bộ số lợn nuôi cũng đã chết do nhiễm DTLCP", anh Thực cho biết thêm.
Theo số liệu từ Chi cục Thú y tỉnh, ngoại trừ 3 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu, tỉnh mới chỉ có duy nhất cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại TP Hải Dương, còn lại hơn 1.200 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ này không có hệ thống xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường. Ý thức phòng chống dịch bệnh từ cộng đồng chưa cao. Tình trạng chung lợn, đụng lợn, người dân tự giết mổ lợn trong vùng dịch, thậm chí là đem thịt lợn đi nơi khác vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Người dân có thể vô tư mua lợn và tự giết mổ mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng nào.
Siết chặt kiểm soát
Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) trung bình giết mổ 150 con lợn thịt/ngày, đáp ứng được 70% nhu cầu sử dụng của người dân thành phố. Thương lái thường nhập lợn từ các trang trại của những công ty chăn nuôi lớn như CP, CJ… tại Hải Phòng, Hưng Yên và từ các hộ chăn nuôi trong tỉnh về đây giết mổ. Bà Vũ Thị Chinh, Giám đốc điều hành cơ sở này cho biết: "Nhân viên tại đây chia làm 3 ca, trực tại lò mổ 24 giờ/ngày. Mỗi xe chở lợn từ tỉnh ngoài về, trước khi đưa vào các ô chuồng chờ mổ đều phải qua nhân viên kiểm dịch kiểm tra". Dù vậy, theo quy định của ngành thú y, lợn từ trong tỉnh đưa vào cơ sở giết mổ tập trung không cần xuất trình giấy kiểm dịch, điều này vô tình tạo ra khe hở khiến công tác kiểm soát nguồn gốc và tình trạng lợn bệnh tại cơ sở giết mổ tập trung dù chặt chẽ cũng khó có thể bảo đảm.
Hiện nay, việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc và tình hình bệnh dịch tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gần như không thể thực hiện. Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Lực lượng cán bộ của Chi cục Thú y không đủ để quản lý hết toàn bộ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ dẫn đến tình trạng bị động khi có dịch. Ngay cả khi giao cho đơn vị thú y cấp xã cũng khó có thể giám sát hết các điểm giết mổ này do thiếu người và kinh phí hỗ trợ kiểm dịch".
Giết mổ gia súc nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh động vật phát tán và lây lan nhanh. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch “Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ quy hoạch 3 cơ sở giết mổ công nghiệp loại I; xây dựng thêm 33 cơ sở bán công nghiệp loại II; thành lập 79 cơ sở thủ công tập trung loại III trên cơ sở vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ thành lập tổ hợp tác. UBND tỉnh cũng đưa ra cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ.
Dù chủ trương của UBND tỉnh là đúng đắn, nhưng khi đi vào thực tế lại khó thực hiện. Về nguyên tắc, để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, biện pháp hữu hiệu là cấm giết mổ nhỏ lẻ. Tuy vậy, không thể xóa bỏ cái cũ khi chưa hình thành cái mới. Luật Thú y cũng không quy định cấm giết mổ nhỏ lẻ vì nó liên quan tới công ăn việc làm của hàng nghìn lao động. Ngay cả khi TP Hải Dương đã cấm giết mổ nhỏ lẻ tại các phường nội thành từ năm 2008 nhưng tình trạng giết mổ chui vẫn diễn ra. "Trước mắt, chỉ có thể kiểm soát chặt chẽ giết mổ nhỏ lẻ để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Dù vậy, đây cũng là bài toán khó khi không có nhân lực thực hiện", ông Hoạt cho biết thêm.
Chăn nuôi lợn là ngành sản xuất dễ tổn thương, thường xuyên xảy ra bất ổn trước những tác động của yếu tố xung quanh, đặc biệt là dịch bệnh. Những giải pháp đưa ra hiện nay mới chỉ mang tính tạm thời và chưa thật sự hiệu quả; rất cần những giải pháp đồng bộ, toàn diện để phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững. Một trong những giải pháp đó là nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung hiện có, thành lập các điểm giết mổ tập trung ở từng huyện, theo từng cụm hoặc hình thức liên gia.