Để không lỡ cơ hội mới

Đến thời điểm này, dịch Covid-19 không chỉ gây nên cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, việc làm do sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.

Với nước ta, tính đến giữa tháng 4-2020 đã có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, tạm mất việc làm hoặc bị giãn việc, nghỉ luân phiên. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I-2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26.800 người so với cùng kỳ năm trước... Trong khi thị trường việc làm trong nước khó khăn, hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng phải tạm dừng càng khiến nguồn cung việc làm thêm phần khan hiếm.

Trong khó khăn ấy, người sử dụng lao động và người lao động không đơn độc. Đồng hành, sẻ chia, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hưởng những chính sách an sinh xã hội như tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; ưu đãi vay vốn... Đặc biệt, người lao động đã được hỗ trợ bằng tiền tùy mức độ ảnh hưởng... Nhờ đó, những khó khăn do dịch bệnh đã vợi bớt phần nào.

Hiện Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch Covid-19, nhưng thị trường việc làm chưa thể phục hồi được ngay mà còn phụ thuộc vào sức bật của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới. Song, người lao động không nên bi quan bởi trước mắt vẫn có nhiều cơ hội việc làm. Trong đó, điều đầu tiên phải kể đến là các địa phương đã và đang có những kế hoạch rất căn cơ để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trở lại. Thứ nữa, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (dự kiến tháng 7-2020) sẽ tạo ra thêm khoảng 146.000 vị trí việc làm ở những ngành nước ta có thế mạnh như dệt may, da giày...

Những cơ hội này rất đáng quý, để không bỏ lỡ thì cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đều phải cùng nỗ lực.

Trong đó, ngay từ lúc này, các doanh nghiệp phải chủ động phương án sản xuất, kinh doanh an toàn trong thời kỳ còn dịch. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ của Nhà nước, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác để ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động, nhưng không phải toàn bộ, mà vẫn có lĩnh vực hoạt động tốt như sản xuất trang thiết bị y tế, thương mại điện tử... Do đó, mỗi người cần sáng tạo, linh hoạt, chủ động thích ứng để tìm những công việc phù hợp. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia nước ngoài chưa thể quay lại Việt Nam làm việc, đây sẽ là cơ hội để nhiều người thử sức thay thế vị trí của họ... Nâng cao chuyên môn, tay nghề, kỹ năng để không bị động trước những thách thức mới đặt ra phải trở thành ý thức thường xuyên của mỗi người.

Với diễn biến của dịch Covid-19 như hiện nay thì thời điểm dự kiến Hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng có thể là thời điểm dịch đã cơ bản được kiểm soát ở nhiều nước, nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi. Do đó, cơ quan nghiên cứu thị trường nên sớm đưa ra những dự báo khoa học, sát thực tiễn về số lao động, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn. Từ đó, có kế hoạch đào tạo nghề trong ngắn hạn và dài hạn nhằm đón đầu cơ hội khi thị trường mở cửa.

Một yếu tố quan trọng nữa góp phần giải quyết việc làm cho người lao động là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị để tăng cường tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này. Đặc biệt, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu với Nhà nước cơ chế, chính sách về lao động, việc làm phù hợp với tình hình mới; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm giúp nguồn cung và cầu về lao động, việc làm gặp nhau.

Nỗ lực để không lỡ những cơ hội việc làm mới, đó là trách nhiệm không của riêng ai để xây dựng nền kinh tế vững đà phát triển.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/966195/de-khong-lo-co-hoi-moi