Để không 'ôm cục nợ' thuế vì tiếp thị liên kết
Câu chuyện nhiều cá nhân làm tiếp thị liên kết bất ngờ phát hiện ôm 'cục nợ' thuế thu nhập cá nhân hàng tỷ đồng đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Thực trạng này cho thấy những thách thức và rủi ro mà các cá nhân trong lĩnh vực này có thể đối mặt.
Lơ mơ về nghĩa vụ thuế
Tiếp thị liên kết (Affiliate marketing) đang là hình thức kinh doanh phổ biến và khá thịnh hành hiện nay. Đây là hình thức môi giới trực tuyến, trong đó doanh nghiệp chi trả hoa hồng cho các đối tác (cá nhân, tổ chức) khi họ giới thiệu khách hàng mua hàng thông qua các liên kết trên internet. Hiện các sàn thương mại điện tử sử dụng kênh tiếp thị này như một đối tác trong kinh doanh và thanh toán hoa hồng.
Affiliate marketing mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây, khi các nền tảng bán hàng online bùng nổ. Tuy nhiên, năm 2023, khi ứng dụng eTax phổ biến để tra cứu nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân, nhiều cá nhân kinh doanh Affiliate tá hóa khi tra cứu thấy nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân phát sinh thêm hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng. Điều này dẫn tới thực trạng, nhiều người làm Affiliate cho các sàn thương mại điện tử đã ôm “cục nợ” thuế. Trong bối cảnh cơ quan chức năng siết chặt các hoạt động thu thuế liên quan, thì các bất cập của hình thức này mới lộ rõ.
Chia sẻ được quan tâm nhất hiện nay là trường hợp một cá nhân làm Affiliate marketing cho Shopee và được trả thù lao 20 tỷ đồng, Shopee khấu trừ thuế tại nguồn 10%, tức 2 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí nhân sự, thuê thiết bị, công cụ để tạo nội dung, phần tiền ròng mà cá nhân này cầm về là 1,8 tỷ đồng. Câu chuyện trở nên phức tạp hơn, khi cá nhân này thực hiện quyết toán thuế mới tá hỏa phát hiện đang nợ thuế 5,1 tỷ đồng do chịu mức thuế thu nhập cá nhân lũy tiến ở mức 35%. Với mức thuế này đang lớn hơn mức lợi nhuận đạt được, dẫn đến nguy cơ nhiều Affiliate marketing vỡ nợ.
Anh Nguyễn Minh Tân, một người đang làm Affiliate marketing cho biết, bản thân anh đã làm tiếp thị liên kết được hơn 2 năm cho nhiều sàn thương mại điện tử, nhưng vẫn rất lơ mơ về nghĩa vụ nộp thuế. Theo anh Tân, mức thuế bị doanh nghiệp tạm trừ 10% là toàn bộ nghĩa vụ thuế của cá nhân phải nộp, nên, không phải nộp thêm bất kỳ một loại thuế nào nữa.
Ngoài ra, anh cũng không biết tới việc các sàn thương mại điện tử kê khai đối tác là người lao động được trả lương.
Theo anh Tân, việc xác định hoa hồng tiếp thị liên kết được hưởng là tiền lương, tiền công là chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi, những người làm affiliate phải đầu tư nhân lực, vật lực rất nhiều, đặc biệt những team nhóm làm đông. Để đạt được mức hoa hồng tiếp thị, các Affiliate thường phát sinh thêm nhiều yếu tố chi phí đầu vào (như nhân công cùng làm, lên content, truyền thông, quảng cáo…). Trung bình, lãi thuần chỉ khoảng 10 – 15%.
Nói về nghĩa vụ thuế của người làm tiếp thị liên kết, luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS cho biết, các cá nhân dù làm tiếp thị liên kết cho bất kỳ doanh nghiệp hay sàn thương mại điện tử nào, nếu có phát sinh phí hoa hồng từ 2 triệu đồng/lần trở lên cũng đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, việc kê khai và khấu trừ như nêu trên không đồng nghĩa với việc các đối tác Affiliate là người làm công ăn lương của các sàn thương mại điện tử, mà các sàn đang chi trả tiền thù lao hoặc phí dịch vụ dưới hình thức hoa hồng môi giới, tiếp thị và tạm khấu trừ thuế 10% trước khi chi trả.
Phần tiền hoa hồng được quy định là một trong các hình thức thù lao nhận về và phải chịu thuế theo quy định. Trong đó, mức thuế 35%/năm được áp dụng cho cá nhân có thu nhập tính thuế (sau khi trừ các khoản giảm trừ gia cảnh) từ 960 triệu đồng/năm trở lên (tức thu nhập nhận được luôn cao hơn thu nhập tính thuế). “Những người làm tiếp thị Affiliate do nhầm lẫn tại điểm này nên cho rằng các công ty kê khai khoản hoa hồng là tiền lương, tiền công và coi họ như người lao động, người làm công ăn lương là chưa chính xác” - luật sư Tuấn nói.
Cân nhắc đăng ký hộ kinh doanh
Qua thực trạng trên cho thấy bức tranh tổng quan về tình hình thuế đối với hoạt động Affiliate tại Việt Nam. Những thách thức và rủi ro mà các cá nhân trong lĩnh vực này có thể đối mặt. Để tránh rủi ro và đảm bảo tuân thủ thuế, việc hiểu rõ các quy định và có kế hoạch quản lý thuế cẩn thận là rất quan trọng.
Chuyên gia tư vấn cao cấp Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội thương mại điện từ Việt Nam (VECOM) Trần Minh Hiệp nêu thực trạng, hiện nay các nhà bản lẻ online và bên cung cấp dịch vụ Affiliate marketing chưa thỏa thuận rõ bản chất của hợp đồng giữa 2 bên là hợp đồng dịch vụ môi giới, hợp đồng lao động hay hợp đồng hợp tác. Vì giữa các loại hợp đồng này có nội dung, nghĩa vụ kê khai thuế, hóa đơn, chứng từ khác nhau.
Đồng thời, để xác định loại hợp đồng nào không chỉ dựa vào tiêu đề tên gọi của hợp đồng mà cần phải soạn thảo kỹ nội dung của hợp đồng thể hiện đúng bản chất của loại hợp đồng đó. Do đó, việc nắm và hiểu các vấn đề về thuế, pháp lý thương mại điện tử cần đẩy mạnh hơn nữa.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, các Affiliate có thể cân nhắc phương án đăng ký hộ kinh doanh. Chấp nhận phương án giải trình do chậm đăng ký kinh doanh và đóng tiền phạt theo Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh. Liên hệ với cán bộ thuế tại Chi cục thuế quản lý để giải trình, chấp nhận phương án áp dụng 7% thuế của hộ kinh doanh.
Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường đưa ra lời khuyên, các cá nhân cần tìm hiểu nội dung hoạt động kinh doanh và cần biết rằng, đăng ký kinh doanh khác với việc không đăng ký kinh doanh như thế nào để lựa chọn mô hình cho phù hợp. Việc hợp tác kinh doanh giữa các sàn thương mại điện tử và các đối tác làm tiếp thị liên kết, còn phải căn cứ vào hợp đồng cụ thể giữa các bên để xem xét.
Đồng thời đề nghị các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh thực hiện việc đăng ký thuế, kê khai thuế theo phương thức điện tử. Việc này nhằm tránh sau này cơ quan thuế cũng như cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện doanh thu hay các khoản thu nhập chưa được kê khai thuế thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-khong-om-cuc-no-thue-vi-tiep-thi-lien-ket.html