Để không xảy ra dịch bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút sởi gây ra và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắc xin, đặc biệt ở trẻ suy dinh dưỡng. Sởi có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do các chất tiết của mũi, họng có chứa vi rút sởi bắn ra ngoài không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, sổ mũi. Đôi khi, người lành bị lây bệnh do tiếp xúc với những đồ vật mới bị nhiễm bệnh do dính chất tiết mũi, họng của người bệnh sởi. Bệnh sởi có chỉ số lây truyền >95% và tính miễn dịch quần thể cần phải đạt từ 94% trở lên mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, sự gia tăng số người mắc sởi đã trở thành xu hướng rõ ràng trên phạm vi toàn thế giới với các ổ dịch sởi tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ và các nước châu Âu. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 9 quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi nhưng đều ghi nhận các trường hợp mắc sởi trong năm 2019 là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Philippines. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, việc e ngại sử dụng vắc xin phòng sởi và xu hướng “bỏ qua tiêm chủng” là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019. Tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi luôn đạt từ 95% đến 97% nhưng sởi vẫn là một bệnh truyền nhiễm lưu hành. Thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, 96,7% trong 3.400 trường hợp mắc sởi được ghi nhận trong hơn 5 tháng đầu năm 2019 chưa tiêm vắc xin ngừa sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng và đến nay trong cả nước đã ghi nhận hơn 27 nghìn người sốt phát ban nghi sởi tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.864 người mắc sởi dương tính và đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh sởi. Các phân tích của ngành y tế khẳng định, sự gia tăng của bệnh sởi trong năm 2019 có nguyên nhân là do lũy tích theo năm và tỉ lệ tiêm chủng thấp vì phong trào “anti vắc-xin” ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại Mỹ và châu Âu. Ở Việt Nam, nhiều trường hợp trẻ mắc sởi khi chưa đủ tháng tuổi để tiêm vắc xin và mẹ có miễn dịch thấp vì tiêm chủng chưa đầy đủ hoặc không tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Hầu hết trong 76% người mắc bệnh sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi, trẻ trên 5 tuổi và người lớn ở Hà Nội chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại thành phố Hồ Chí Minh là rất cao nếu tỉ lệ tiêm chủng không đạt.
Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh (PCDB) truyền nhiễm trong năm 2019, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn ngừa bệnh sởi, phát hiện sớm các trường hợp mắc, khoanh vùng và xử lí kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan và bùng phát dịch bệnh sởi trong cộng đồng cũng như tử vong, biến chứng do sởi. Chủ động PCDB sởi xảy ra trên địa bàn, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch PCDB theo tinh thần không để bệnh sởi bùng phát thành dịch và đảm bảo năng lực đáp ứng nhanh, nhạy yêu cầu phòng chống dịch; đẩy mạnh truyền thônggiáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng bệnh, đưa con em đi tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch tiêm chủng mở rộng nhằm tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng; đảm bảo tiêm chủng an toàn và đạt tỉ lệ...
Bác sĩ Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Để đạt hiệu quả tốt trong PCDB sởi, điều đầu tiên là trẻ em phải được tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ vì tiêm vắc xin sẽ tạo lá chắn phòng bệnh và là phương pháp quan trọng nhất để khống chế, thanh toán và loại trừ bệnh sởi cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh sởi và tăng cường truyền thông, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cụ thể đồng thời cán bộ y tế từ tỉnh đến xã, phường nắm vững chuyên môn, kĩ thuật từ dự phòng đến điều trị bệnh sởi. Do đó, ngành y tế tỉnh nỗ lực duy trì kết quả tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt tỉ lệ trên 95% và tiêm chủng chiến dịch đạt tỉ lệ trên 90%, không có vùng lõm về tiêm chủng; hướng tới kết quả trên 80% người dân được tiếp nhận thông tin về các biện pháp PCDB; đảm bảo sự phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động PCDB và kinh phí, thuốc, hóa chất, nguồn lực sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ nhằm phát hiện dịch sớm, xử trí kịp thời 100% ca bệnh và xử lí triệt để các ổ dịch tại cộng đồng; kiểm tra và xử lí 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới đúng quy định; chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị kịp thời các trường hợp mắc sởi; từ 90% đến 100% người bệnh có chỉ định được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế. Các giải pháp được Sở Y tế đưa ra bao gồm: Giải pháp giảm mắc với các nội dung tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động tại cửa khẩu và trong cộng đồng, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để thu dung, cách li và điều trị kịp thời; xử lí ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan và không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát. Giải pháp giảm tử vong tập trung tăng cường năng lực của bệnh viện các tuyến trong thu dung, điều trị bệnh sởi; phân luồng khám bệnh, cách li và điều trị, chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; xây dựng các thông điệp truyền thông với người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh sởi; thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh và tuyên truyền các biện pháp PCDB với mọi người, mọi nhà; tập huấn hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh sởi; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở y tế công lập, tư nhân; lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp mắc hoặc nghi mắc sởi gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm các xét nghiệm.
Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện:
1. Đưa con em đủ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin phòng sởi. Phụ nữ chuẩn bị sinh con, người lớn, trẻ lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng sởi tại các điểm tiêm chủng theo yêu cầu.
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách li tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
4. Bệnh sởi rất dễ lây nên không để trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắcxin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142003