Để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu thêm xanh

Mộc Châu và Vân Hồ là hai huyện nằm trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đây cũng là những địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần để Khu du lịch quốc gia giữ vững danh hiệu 'Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới'.

Nhân dân bản Chiềng Hin, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

Nhân dân bản Chiềng Hin, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

Sau 15 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nhân dân. Đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Mộc Châu có 52.130 ha rừng, tỷ lệ che phủ 48,6%; huyện Vân Hồ có 55.305 ha rừng, tỷ lệ che phủ 56,3%. Tính riêng giai đoạn 2018-2023, huyện Mộc Châu được chi trả hơn 94 tỷ đồng, huyện Vân Hồ được chi trả gần 66,5 tỷ đồng DVMTR. Đây là nguồn tài chính ngoài ngân sách rất lớn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR, hỗ trợ sinh kế, tạo thêm nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng biên giới của các huyện.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Hằng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với đơn vị tư vấn, rà soát, đánh giá hiện trạng rừng để triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ MTR. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các xã công bố kết quả rà soát diện tích đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng sau kiểm kê đối với chủ rừng. Kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Mộc Châu - Vân Hồ đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của các huyện, chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả DVMTR, phù hợp với phong tục, tập quán, trình độ nhận thức của nhân dân; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR ở thôn, bản.

Chị Ngô Thị Trung Thành, Trưởng Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Mộc Châu - Vân Hồ, thông tin: Sau 15 năm, triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân; tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các chủ rừng đã nắm và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn sử dụng tiền DVMTR. Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ tuần tra, canh gác rừng. Cộng đồng dân cư nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ, PCCCR. Cùng với những thu nhập khác từ rừng, chính sách đã hỗ trợ sinh kế, tạo thêm việc làm, hạn chế các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Với số tiền được chi trả, hằng năm các cộng đồng bản đều tổ chức họp dân bàn bạc, thống nhất mục đích sử dụng, nhất là từ khi xây dựng và thực hiện quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR ở thôn, bản, đã tác động rất lớn đến chất lượng rừng tự nhiên, tăng tỷ lệ che phủ. Qua đó, phát huy vai trò của rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, trữ lượng và giá trị đa dạng sinh học được duy trì, bảo tồn tốt hơn.

Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha đang quản lý 18.173 ha rừng, thuộc các xã Tân Xuân, Xuân Nha, Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ và xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu. Trong đó, 15.231 ha đất có rừng, với 10.185 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Hoàng Trọng Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha, thông tin: Rừng đặc dụng Xuân Nha có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại. Hằng năm, ban được chi trả từ 3-4 tỷ đồng DVMTR; 90% nguồn kinh phí này được chi phục vụ công tác bảo vệ, PCCCR; trong đó, chủ yếu chi cho 17 cộng đồng bản nhận khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng.

Hằng năm, từ số tiền được chi trả, các chủ rừng là cộng đồng đã trích hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới. Bản Nà Lồi, xã Suối Bàng đang quản lý 1.028 ha rừng; trong đó hơn 900 ha đủ điều kiện chi trả DVMTR. Từ năm 2013 đến 2023, trung bình mỗi năm bản được chi trả hơn 300 triệu đồng DVMTR. Cộng đồng bản đã bàn bạc, thống nhất chủ yếu dùng để mua sắm dụng cụ phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ, PCCCR. Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mùi Văn Văn chia sẻ: Cùng với hỗ trợ của nhà nước, bản đã đầu tư gần 1 tỷ đồng làm bê tông nội bản, đường ra khu sản xuất; sửa chữa, mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa, xây dựng công trình điện chiếu sáng; mua cây giống trồng rừng và chi cho các hoạt động khác của cộng đồng.

Việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ tác động rất lớn đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Hoàng Long

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/de-khu-du-lich-quoc-gia-moc-chau-them-xanh-mleNO8sSg.html