Để khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên Việt Nam phát triển bền vững
Ngày 23-7, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo và kỷ niệm 20 năm quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000 - 2020)
Ngày 23-7, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo và kỷ niệm 20 năm quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000 - 2020)
Rừng ngập mặn Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2000. Qua 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thể hiện rõ nét vai trò là lá phổi xanh bảo vệ cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, việc gìn giữ và phát triển tài nguyên Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, áp lực phát triển kinh tế ngày càng gia tăng… là một quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, chính xác và sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội.
Quan trọng hơn hết là làm thế nào để danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đem lại lợi ích cho con người, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững huyện Cần Giờ nói riêng và cho cả TP Hồ Chí Minh nói chung. Điều này yêu cầu sự nhận thức đúng đắn của lãnh đạo chính quyền các cấp, sự tham gia có trách nhiệm của người dân, sự ủng hộ của toàn xã hội, nhất là lòng yêu mến, bầu nhiệt huyết và tinh thần quyết tâm của cả cộng đồng.
Khu dự sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nằm trọn trong địa giới hành chính huyện Cần Giờ với tổng diện diện tích 75.740 ha, trong đó vùng lõi chiếm 4.721 ha, vùng chuyển tiếp 29.880 ha và vùng đệm là 41.139 ha.
Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Cùng với đó, rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, nơi đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước.
PGS,TS Viên Ngọc Nam, Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh nhận định, rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường cho TP Hồ Chí Minh cũng như tạo các điều kiện thích hợp cho các ngành, như: ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu, du lịch sinh thái, giáo dục…
Thời gian tới, để Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ tiếp tục phát triển bền vững, cần có những nghiên cứu tổng hợp và toàn diện về đa dạng sinh vật; quản lý tổng hợp tài nguyên rừng ngập mặn cần có sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, trên cơ sở bàn bạc để đi đến thống nhất chung trong công tác bảo vệ rừng ngập mặn.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh vật, qua đó đưa ra các chiến lược cụ thể, bảo vệ và phát triển rừng…