Để kinh tế tập thể thật sự phát triển năng động, hiệu quả
Trong thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã, đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, song vẫn còn một số hạn chế chậm được khắc phục. Để KTTT phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần thực hiện nhiều giải pháp, tạo đột phá, khơi thông điểm nghẽn, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế...
KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã, là thành phần kinh tế quan trọng, với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đối với đất nước. Nghị quyết số 20, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 20), đã củng cố quan điểm về vị trí, vai trò và đóng góp của KTTT: “Đóng góp về mặt kinh tế của KTTT trong nền kinh tế quốc dân là tỷ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên...
Đóng góp về mặt xã hội của KTTT là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn” và “Phát triển KTTT là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư”.
Tại Bình Thuận, để KTTT phát triển năng động, hiệu quả, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết 09, Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cần xây dựng phương án tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của KTTT. Cụ thể: Nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã (nợ Nhà nước, nợ ngân hàng, nợ các tổ chức kinh tế khác, nợ thành viên, thành viên nợ hợp tác xã...); các quan hệ về tài sản của hợp tác xã, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các tổ chức kinh tế hợp tác tồn tại hình thức, hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, cũng như xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức KTTT. Khuyến khích mở rộng, đa dạng hóa các thành viên trong tổ chức KTTT. Phát triển đa dạng các hợp tác xã thuộc các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh tại những nơi có điều kiện thành lập. Khuyến khích thành lập các hợp tác xã theo ngành nghề, hoạt động theo vùng, không giới hạn đơn vị hành chính, đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp. Khuyến khích việc tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức KTTT. Thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ, thành lập doanh nghiệp tại những tổ chức KTTT có đủ điều kiện; nghiên cứu ủy thác một số dịch vụ công cho các tổ chức KTTT; khuyến khích liên kết kinh tế giữa các tổ chức KTTT hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực.
Đồng thời tập trung nghiên cứu đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã và đào tạo nghề cho thành viên, người lao động trong hợp tác xã, đặc biệt chú trọng đến khâu thực hành nhằm tăng hiệu quả của công tác đào tạo. Xây dựng mô hình hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, Chương trình mỗi xã một sản phẩm để nhân rộng, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững…
Theo Liên minh HTX Bình Thuận: Hiện tại nhiều HTX đã nỗ lực đổi mới trong quản lý điều hành, xác định lại phương hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, năng động hơn. Việc quản lý tài chính từng bước đi vào nề nếp, thống nhất, năng lực nội tại của HTX cũng dần được cải thiện, tạo được việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 226 HTX, tăng 4,6% so cùng kỳ 2023, trong đó có 195 HTX đang hoạt động, chiếm đa số vẫn là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp với 148 HTX.