Để kinh tế tư nhân phát triển bứt phá: Cần thiết kế chính sách cụ thể, đồng bộ

Những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế minh bạch và hiệu quả,... sẽ giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa có thể yên tâm lớn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng

Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh, cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo… Những sự thay đổi đó sẽ phải là gì, các doanh nghiệp tư nhân mong muốn có được những bệ đỡ chính sách nào - loạt bài của Báo Nhà báo và Công luận sẽ cùng làm rõ hơn về những vấn đề này.

Việt Nam cần có giải pháp quyết liệt để phát huy nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân

Cần “nuôi dưỡng” doanh nghiệp tư nhân để trở thành “kỳ lân” trên bản đồ kinh tế thế giới

Cải cách pháp luật tạo đột phá cho kinh tế tư nhân Việt Nam

Cần có những đột phá mới trong cải cách thủ tục hành chính

Nên xóa bỏ ngay những luật, quy định pháp luật là rào cản kinh tế tư nhân phát triển

90 ngày hoãn thuế đối ứng của Mỹ: Khoảng thời gian quan trọng để doanh nghiệp tính toán các kịch bản ứng phó

GS.TS Tô Trung Thành: Thuế đối ứng là cú sốc lớn đòi hỏi phải tái cấu trúc nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Atlantic: Chính phủ nên có cơ chế đánh giá công bằng, minh bạch với khối giáo dục tư nhân

Công ty CP Du lịch Perfect Tours: Cải thiện chính sách visa và thủ tục nhập cảnh sẽ là “bệ phóng” cho ngành du lịch bứt phá

Từng bước khẳng định vai trò trong nền kinh tế

Trước năm 1986, Việt Nam thực hiện mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong đó nhà nước sẽ đưa ra các định liên quan tới sản xuất và phân phối hàng hóa. Thời kỳ đó chỉ có 2 loại hình kinh tế chủ yếu, đó là xí nghiệp quốc doanh và tập thể, chỉ có một số ít loại hình kinh tế cá thể, chưa có kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12/1986, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ Đổi mới. Ngay sau đó vào năm 1990, Luật Công ty ra đời đã tạo ra bước ngoặt lớn cho khu vực kinh tế tư nhân.

Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII vào tháng 6/1991, từ chỗ coi kinh tế tư bản tư nhân là một thành phần kinh tế “tàn dư” của chế độ xã hội cũ, kinh tế tư nhân đã thực sự được xem là một thành phần kinh tế độc lập, có tiềm năng phát triển và đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Tập đoàn Sun Group với sứ mệnh "làm đẹp các vùng đất" đã tạo nên những điểm nhấn du lịch mới của Việt Nam.

Tập đoàn Sun Group với sứ mệnh "làm đẹp các vùng đất" đã tạo nên những điểm nhấn du lịch mới của Việt Nam.

Hiến pháp 1992 chính thức thừa nhận các thành phần kinh tế là bình đẳng, tạo nền tảng cho sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999.

Công cuộc Đổi mới đã tạo nền móng cho một tinh thần cải cách chính sách để kinh tế tư nhân được cởi trói và trỗi dậy mạnh mẽ, đưa Việt Nam từ nền kinh tế tập trung, bao cấp dần tự chủ và hội nhập, vươn ra thế giới bằng chính nội lực của mình.

Năm 2017, Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng hướng; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân ở các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, ở giai đoạn trước Đổi mới, kinh tế tư nhân đã từng không được công nhận, dẫn đến nhiều hiện tượng bất bình đẳng, thậm chí là kỳ thị. Sự kỳ thị này đã tạo ra rất nhiều trói buộc khiến kinh tế tư nhân không thể phát triển trong thời gian dài.

Tuy nhiên kể từ khi được công nhận là một trong những trụ cột phát triển của nền kinh tế Việt Nam, kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng thần tốc về cả quy mô lẫn số lượng.

Cần có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: TL.

Cần có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: TL.

“Đặc biệt trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân không chỉ “nổi tiếng” trong nước mà còn vươn mình mạnh mẽ, gây tiếng vang ra thế giới như: Vingroup, Sun Group, THACO, TH, Hòa Phát… và hàng loạt doanh nghiệp khác.

Những doanh nghiệp này đã đưa hình ảnh kinh tế của đất nước đi lên, điều này chứng tỏ vai trò của kinh tế tư nhân cao hơn rất nhiều”, GS.TS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Loay hoay với những khó khăn

Mặc dù có đóng góp ngày càng lớn thế nhưng kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn còn một số hạn chế kìm hãm sự phát triển như đa phần doanh nghiệp tư nhân thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, thiếu sự kết nối với nhau cũng như với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; chưa tận dụng tốt các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại,...

Ngoài những hạn chế nội tại, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực. Nhất là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân như TH True Milk, Vietjet Air đang ngày càng có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân như TH True Milk, Vietjet Air đang ngày càng có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí.

Ngoài ra hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

GS.TS Lê Hồng Hạnh cho rằng, doanh nghiệp đang rất mong chờ vào những cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế minh bạch và hiệu quả. Tất cả nhằm giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa có thể yên tâm lớn mạnh.

Nền kinh tế cần có nhiều hơn những doanh nghiệp vừa, lớn và phát triển lành mạnh và đóng góp công sức vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Nhưng coi trọng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của lực lượng đông đảo doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể - nơi khởi nguồn của đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp không thể “vươn mình” trong một môi trường pháp lý “vừa làm vừa sợ”. Do đó tư duy xây dựng luật pháp phải thay đổi theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan. Cách tiếp cận khi xây dựng luật cũng cần thay đổi theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc.

“Đóng góp của kinh tế tư nhân với tăng trưởng kinh tế còn có thể lớn hơn nữa nếu những tiềm năng được giải phóng và không gian phát triển dành cho doanh nghiệp được mở rộng hơn”, GS. TS Lê Hồng Hạnh nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế đánh giá, Tổng Bí thư vừa qua đã làm việc với Chính phủ, đặc biệt là Ban Chính sách chiến lược nhằm tìm ra giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh là hai nền tảng chính của kinh tế tư nhân. Về cơ bản, nền tảng này cũng đã phát triển khá tích cực và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Hiện vẫn tồn tại rất nhiều bất cập do năng lực tranh còn thấp và năng lực tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như thế giới còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý thiếu chuyên nghiệp, thiếu công khai minh bạch. Vì vậy lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã yêu cầu phải sớm xem xét, tạo điều kiện để phát triển kinh tế trong các hộ kinh doanh.

Đòn bẩy cơ chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển bứt phá

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi đi thông điệp “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Khẳng định kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần của nền kinh tế, mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, khu vực này có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, cho thấy vai trò không thể thay thế.

Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

“Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Môi trường thuận lợi ấy, thiết nghĩ không gì khác là những cơ chế chính sách, giải pháp đột phá để khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết, hiện tại là thời điểm mang tính quyết định. Vai trò của Nhà nước cần theo hướng mở đường, dẫn dắt và quan trọng nhất là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Hiện thực hóa mong muốn ấy, mới đây, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, với nhiệm vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.

Tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý I/2025 do Bộ Tài chính tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Mục tiêu của Nghị quyết lần này sẽ tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

GS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng, một sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong hệ thống chính trị Việt Nam, thể hiện qua sự nỗ lực đưa tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong thời gian tới và đặc biệt chú trọng vào những vấn đề then chốt của công cuộc phát triển kinh tế tư nhân, nắm bắt các xu thế của thời đại.

“Những định hướng lớn mà lãnh đạo cấp cao đề ra không chỉ thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về vai trò của kinh tế tư nhân mà còn phản ánh tinh thần đổi mới, sáng tạo trong quản lý và điều hành nền kinh tế. Để biến tầm nhìn đó thành hiện thực, chúng ta cần có những thiết kế chính sách cụ thể, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới”, mong muốn của GS.Vũ Minh Khương chắc hẳn cũng là mong muốn của hết thảy doanh nghiệp tư nhân Việt lúc này.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-but-pha-can-thiet-ke-chinh-sach-cu-the-dong-bo-10287594.html