Để kinh tế tuần hoàn trở thành lựa chọn tất yếu, không thể thiếu vai trò kiến tạo của Nhà nước
Tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 được tổ chức tháng 9/2019, thảo luận về những vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, các đại biểu đã nhấn mạnh tới một trong 'ba trụ cột', đó là kinh tế tuần hoàn, xem đây là chìa khóa, là 'cánh cửa thần kỳ' đưa Việt Nam phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhất định. Cụ thể, năm 2018, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Việt Nam cũng xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ phát triển kinh tế bền vững thì còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Do vậy, cần có những giải pháp phát triển bền vững kinh tế trong những năm tới. Để thực hiện tốt và hiệu quả hơn các định hướng ưu tiên phát triển bền vững nền kinh tế, nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế xanh, cần có những giải pháp thiết thực để triển khai một cách có hiệu quả.
Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 được tổ chức tháng 9/2019, các đại biểu đã nhấn mạnh tới một trong “ba trụ cột” được ưu tiên trong tương lai để phát triển bền vững đó chính là “kinh tế tuần hoàn” (KTTH- circular economy) nhằm giải quyết những bức thiết về việc nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp.
Để hiểu rõ hơn về KTTH, phóng viên Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD).
- Ông Nguyễn Quang Vinh: Trong những năm vừa qua, các nền kinh tế thế giới chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền KTTH, nơi chất thải, thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.
KTTH là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí thải ra đại dương.
Còn đối với KTTH, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên đã sử dụng.
+ Vậy thưa ông, đâu là điểm ưu việt của mô hình này? Tại sao hiện nay trên thế giới mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng được ưa chuộng?
- Ông Nguyễn Quang Vinh: Các tính toán cho thấy, triển khai mô hình KTTH sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng GDP trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030; theo tính toán nếu giảm mức tiêu dùng tài nguyên 1% trên toàn cầu sẽ tiết kiệm được 840 triệu tấn kim loại, nhiên liệu hóa thạch, khoáng sản và tài nguyên sinh khối trong một năm.
Trên thế giới, ở cấp độ công ty đơn lẻ, việc thực hiện các giải pháp tuần hoàn bao gồm suy nghĩ lại về sản phẩm và dịch vụ dựa trên các nguyên tắc liên quan tới độ bền, khả năng tái tạo, tái sử dụng, sửa chữa, thay thế, nâng cấp, tân trang và giảm sử dụng nguyên vật liệu.
Bằng cách áp dụng nguyên tắc KTTH này, các công ty có cái nhìn mới mẻ về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên, có thể giảm thiểu chất thải, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và tách tăng trưởng ra khỏi việc tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên.
+ Kinh tế tuần hoàn đem lại nhiều giá trị thiết thực như vậy, ở Việt Nam mô hình này được áp dụng như thế nào, tác động của nó với phát triển bền vững?
- Ông Nguyễn Quang Vinh: Nhằm giới thiệu mô hình KTTH trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ngay từ năm 2016 Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) – VCCI đã phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và một số hội viên của VBCSD tổ chức 02 Hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Nền KTTH: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”.
Từ năm 2017 cho tới nay, VBCSD-VCCI đã và đang cùng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp xây dựng và triển khai hàng loạt các sáng kiến/chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mô hình KTTH với mục tiêu là rà soát khung khổ pháp luật và đề xuất các khuyến nghị về chính sách giúp tạo điều kiện xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; giới thiệu những thông lệ tốt của các doanh nghiệp trên thế giới đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công – tư.
Nhiều công ty đa quốc gia, thương hiệu lớn quy mô toàn cầu đã tiên phong trong việc tạo nên những dịch chuyển đáng kể trong đầu tư vào mô hình KTTH tại Việt Nam. Những sáng kiến/mô hình kinh tế tuần hoàn này bước đầu đã thành công, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của cộng đồng xã hội và cần được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Mô hình KTTH đã không còn dừng ở khái niệm mới mẻ mà đã dần được chuyển hóa vào hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả đã và đang cùng cộng hưởng để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do KTTH mang lại, và sớm hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của nước nhà.
+ Theo ông, làm thế nào để mô hình kinh tế tuần hoàn có thể phù hợp và phát huy tại Việt Nam?
- Ông Nguyễn Quang Vinh: Để triển khai KTTH trước tiên các doanh nghiệp cần phải có hệ sinh thái KTTH, được hỗ trợ để triển khai mô hình kinh tế này. Hiện tại, chúng ta chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn, điều này muốn có thì cần có sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các cơ quan Nhà nước.
Cùng với đó là sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan tổ chức quốc tế, đặc biệt động lực chính là từ các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích từ mô hình này, doanh nghiệp sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai.
Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam không dễ gì để bắt kịp xu hướng chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện trạng này là do thực trạng năng lực và nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam với đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, truyền thông nâng cao nhận thức về mô hình KTTH còn hạn chế và quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý có liên quan, giám sát thực thi luật và đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết còn rất hạn chế.
Để những sáng kiến nói trên đi vào thực tế, cũng như để KTTH trở thành lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp, sẽ không thể thiếu được vai trò kiến tạo của Nhà nước. Chúng ta sẽ hóa giải được những thách thức về phát triển bền vững khi mà các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực dù sản xuất hay thương mại – dịch vụ… có tầm nhìn và quyết tâm thay đổi, sáng tạo để bắt nhịp với xu thế KTTH.
+ Xin cảm ơn ông!
Quốc Trần (Thực hiện)